Triển vọng cung – cầu trong ngắn hạn vẫn đang trái chiều nhau khiến cho giá đậu tương sẽ tiếp tục duy trì khoảng đi ngang
Mở cửa phiên giao dịch ngày 02/12, giá đậu tương đang hồi phục nhẹ trở lại sau phiên lao dốc về vùng chặn dưới của khoảng đi ngang. Lực bán đẩy mạnh hôm qua cho thấy rằng khả năng giá đậu tương vượt lên vùng 1500 là rất thấp trong bối cảnh triển vọng nguồn cung trong ngắn hạn đang khá tích cực. Xét về mặt cơ bản, các yếu tố cung – cầu đậu tương đang trái chiều nhau và chưa thể hiện rõ tác động đang thiên về mua hay bán. Ngoài ra, yếu tố quyết định lớn nhất đến xu hướng giá sắp tới là mùa vụ ở Brazil và Argentina vẫn đang còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết sắp tới.
Hoạt động bán hàng đẩy mạnh nhờ chính sách tỉ giá hối đoái ưu đãi của chính phủ Argentina đã khiến cho nguồn cung từ thị trường Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Trong báo cáo Export Sales, bán hàng đậu tương Mỹ trong tuần trước chỉ đạt gần 700,000 tấn, con số khá thấp so với kì vọng của thị trường. Điều này có thể bắt nguồn từ nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc và chi phí vận tải của Mỹ gia tăng sau đợt ảnh hưởng bởi các vấn đề hậu cần trên sông Mississippi vừa qua. Trong vài tuần tới, khi mà chính sách trên của Argentina được áp dụng từ thứ Hai thì nhiều khả năng hoạt động bán hàng của Mỹ cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Do giai đoạn này thường là mùa xuất khẩu đậu tương cao điểm của Mỹ nên việc doanh số bán hàng sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể tới ước tính xuất khẩu trong cả niên vụ 22/23 và từ đó tạo sức ép đến giá đậu tương.
Ngược lại, triển vọng ngành chăn nuôi của Trung Quốc trở nên tích cực hơn khi chính phủ đang nới lỏng các hạn chế về chính sách Zero Covid. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy quốc gia châu Á này có thể sẽ nhập khẩu nhiều đậu tương hơn và đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ giúp giá sẽ khó giảm sâu dưới vùng đi ngang. 

Trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê khả năng cao sẽ tăng nhẹ trong phiên hôm nay

Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/12, Arabica đảo chiều giảm hơn 2% sau khi chạm mức cao nhất trong 04 tuần do số liệu xuất khẩu cà phê xanh tích cực hơn trong tháng 11 của Brazil. Trong khi Robusta vẫn duy trì sự khởi sức với mức tăng khiêm tốn 0.26% trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Những kỳ vọng về một mùa vụ tích cực tại Brazil trong năm 2023 ngày càng trở nên mờ nhạt. Nối tiếp sau những nhận định không mấy tích cực của các chuyên gia tại Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, hãng phân tích độc lập SpillingTheBeans mới đây cũng đưa ra dự báo ban đầu về sản lượng cà phê trong niên vụ tới tại Brazil. Theo đó, hãng dự đoán quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới sẽ sản xuất được khoảng 50 đến 56 triệu bao cà phê trong năm tới khi tiếp tục chịu tác động tiêu cực về cà phê. Mức dự đoán này cũng thấp hơn so nhiều với dự đoán 68.6 triệu bao của Rabobank đưa ra trước đó, điều này có thể giúp giá cà phê khởi sắc sau khi giảm hơn 2% vào hôm qua.
Thêm vào đó, Costa Rica, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu Trung Mỹ cũng mới công bố số liệu xuất khẩu không mấy khả quan trong tháng 11. Theo đó, quốc gia này đã xuất khẩu được 12,956 bao cà phê, giảm 43% so với mức 22,777 bao của tháng 11 năm ngoái và cũng là mức xuất khẩu trong 1 tháng thấp nhất trong 05 năm trở lại đây của quốc gia này. Nguyên nhân cho việc xuất khẩu tiêu cực như vậy đến từ nguồn cung ở mức thấp do ảnh hưởng bởi thời tiết. Thông tin này góp phần giúp giá Arabica trong phiên hôm nay khởi sắc. 

Giá đồng có thể không biến động mạnh vì thiếu vắng chất xúc tác trong phiên giao dịch cuối tuần
Giá đồng đi ngang trong sáng nay khi các thị trường tài chính có phần trầm lắng trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tin tức có sức nặng nhất trên thị trường đồng hiện tại là khả năng mở cửa trở lại của Trung Quốc. Đã có rất nhiều phân tích cũng như kỳ vọng về sự thay đổi trong chính sách của nước này, tuy nhiên đây vẫn là một ẩn số rất lớn và khó đoán.
Bộ Chính trị gồm 24 thành viên, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản, thường triệu tập vào đầu tháng 12 hàng năm để đưa ra các định hướng dẫn cho chính sách kinh tế năm tới. Các kế hoạch sau đó sẽ được bổ sung tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, thường diễn ra sau cuộc họp Bộ Chính trị trong vòng một tuần.
Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc có thể sẽ có một cách tiếp cận thực tế hơn đối với các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, đồng thời tập trung hơn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh việc nới lỏng, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào sự hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ thông qua các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách rõ ràng hơn.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhiều khả năng thị trường sẽ ít tin tức, đặc biệt là các tin tức từ Trung Quốc vì phiên giao dịch ở Châu Á sẽ kết thúc sớm. Lăng kính kỹ thuật cho thấy giá đồng đang đi ngang ở nửa trên của dải Bollinger Band. Vùng giá hiện tại khá lưng chừng và không đủ an toàn để mở vị thế dù mua hay bán. 

Giá dầu có thể giằng co trong phiên khi các nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp OPEC+
Giá dầu có thể biến động giằng co, nhưng lực mua có thể tiếp tục nhỉnh hơn trong phiên hôm nay, khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trước thềm cuộc họp của nhóm OPEC+ sẽ diễn ra vào 4/12, và lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU đi vào hiệu lực từ ngày 5/12. Hiện tại, mức trần giá đối với dầu từ Nga đang được các quốc gia khu vực này xem xét ở mức 60 USD/thùng, nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức.
Các thành viên OPEC bao gồm 10 nước tham gia vào mục tiêu cắt giảm sản lượng, sau khi loại trừ Venezuala, Libya và Iran đã sản xuất khoảng 25.104 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 10, theo báo cáo đầu tháng 11 của nhóm OPEC. Mức này thấp hơn 1 chút so với với sản lượng mục tiêu đặt ở mức 25.416 triệu thùng/ngày mà OPEC 10 đặt ra trong cuộc họp hồi đầu tháng 10. Theo khảo sát của Bloomberg cho biết, nhóm 10 quốc gia này trong tháng 11 đã bơm ít hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mục tiêu. Như vậy, lượng cắt giảm trên thực tế được dự đoán đang rơi vào khoảng gần 700,000 thùng/ngày, thấp hơn mục tiêu cắt giảm đề ra khoảng 1.2 triệu thùng/ngày OPEC 10 đã đề xuất. Do đó, nhiều khả năng trong cuộc họp lần này, OPEC sẽ ít có sự thay đổi sản lượng, nhất là khi việc đưa ra quyết định ngay trước thềm lệnh cấm vận dầu Nga đi vào hiệu lực sẽ tương đối rủi ro.
Bên cạnh đó, nhu cầu về dầu đang được hi vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới do niềm tin nới lỏng chính sách Không Covid và các hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc có thể thúc đẩy giá. Trong khi Mỹ vẫn sẽ phải tìm cách bổ sung vào kho dầu dự trữ chiến lược của mình sau đợt giải phóng dầu kỷ lục từ hồi tháng 3. Mức giới hạn giá dầu của Nga nếu được thống nhất ở ngưỡng 60 USD/thùng mặc dù ít gây ra biến động nào quá mạnh lên dòng chảy dầu từ Nga, song tâm lý lo sợ rủi ro nguồn dầu Nga cũng có thể xảy ra. Nếu OPEC giữ nguyên hoặc cắt giảm lượng nhỏ, giá dầu vẫn sẽ có động lực tăng.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)