Các yếu tố cơ bản có thể khiến cho giá đậu tương tiếp tục giảm sâu xuống dưới mức 1700 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 26/05, giá đậu tương vẫn chỉ đang suy yếu nhẹ bất chấp lực bán áp đảo hoàn toàn đối với 2 mặt hàng ngũ cốc chính còn lại là ngô và lúa mì. Giá lại một lần nữa bị đẩy xuống từ vùng kháng cự tâm lí 1700. Phiên giao dịch hôm qua cũng góp phần củng cố cho tín hiệu đảo chiều của mặt hàng này trong ngắn hạn. Có khả năng, nhịp giảm trong khoảng biến động sideway của đậu tương đang được hình thành.
Nhu cầu nhập khẩu đậu tương có thể sẽ là yếu tố củng cố thêm cho lực bán đối với mặt hàng này trong phiên hôm nay. Có 2 đơn hàng Daily Export Sales với tổng khối lượng hơn 300,000 tấn trong tuần kể từ ngày 12/05 – 19/05. Thị trường cũng dự đoán rằng số liệu bán hàng trong báo cáo Xuất khẩu tối nay cũng sẽ thấp hơn so với tuần trước đó. Điều này phản ánh được phần nào nhu cầu ở Trung Quốc vẫn chưa thực sự phục hồi. Biên lợi nhuận ngành chăn nuôi vẫn đang ở mức thấp cùng với những chính sách kiểm soát dịch Covid vẫn hạn chế nhập khẩu của nước này.
Về nguồn cung, những tín hiệu về mùa vụ ở Mỹ đang dần chuyển sang xu hướng bearish. Như chúng tôi đã phân tích ngay từ khi bắt đầu quá trình gieo trồng, giá phân bón cao cùng với tiến độ chậm trễ của ngô có thể sẽ giúp gia tăng diện tích đậu tương. Hoạt động gieo trồng đậu tương ở Mỹ thường bắt đầu muộn hơn so với ngô khoảng 1 tháng. Chính vì thế nên ngô trồng muộn sẽ gặp phải rủi ro lớn hơn so với đậu tương và tình trạng này có thể sẽ khiến cho nông dân ở các khu vực phía bắc Midwest sẽ phải chuyển sang gieo trồng đậu tương để thay thế. Hơn nữa, tốc độ gieo trồng cũng sẽ được đẩy mạnh trong tuần này nhờ thời tiết tiếp tục ổn địn hơn và tạo áp lực lên giá đậu tương. Với các yếu tố cơ bản đang thiên về bearish như hiện tại, giá đậu tương sẽ khó quay trở lại vùng 1700.
 
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Đường và cà phê có thể kiểm tra các mức kháng cự quan trọng trong phiên hôm nay
Giá các mặt hàng cà phê đã đồng loạt tăng mạnh khi kết thúc phiên giao dịch 25/05, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào kinh tế khởi sắc hơn cùng các lo ngại về thời tiết tại Brazil.
Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào đêm qua đã cho thấy, các quan chức đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất nhanh chóng và có thể nhiều hơn mức thị trường dự đoán để giải quyết vấn đề lạm phát đang gia tăng.
Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos Thụy Sỹ cho rằng thế giới đang đối diện với nhiều khủng hoảng đan xen gồm lạm phát, năng lượng, lương thực, khí hậu... Nếu không được giải quyết tốt, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Brazil, dù không có nhiều mưa trong thời gian tới, tuy nhiên do đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch, tác động từ thời tiết đến năng suất sẽ không còn quá lớn. Các đợt lạnh trong đầu tháng 06 chỉ di chuyển đến các bang ở phía nam rồi dừng lại chứ chưa đi quá sâu vào các vùng sản xuất cà phê. Vì thế, lo ngại về nguồn cung tại thời điểm này là không đáng kể.
Về mặt kỹ thuật, giá đang có sự phục hồi ngắn từ vùng hỗ trợ 210-215, nhưng trên xu hướng dài hạn là “bearish”, khả năng để giá vượt lên được trên vùng giá 220 cents là không cao. Bên cạnh đấy, vùng giá này còn trùng với đường xu hướng giảm từ mức đỉnh gần nhất và đường SMA50. Giới đầu tư có thể mở vị thế bán mới tại đây trong phiên hôm nay với kỳ vọng giá sẽ giảm 4-5 cents.
Đối với Robusta, giá tăng mạnh trong phiên hôm qua nhưng vẫn nằm dưới vùng kháng cự 2100 USD và vùng mây kumo, khiến cho khả năng vượt lên được trong ngắn hạn là không cao. Tuy nhiên, việc mở vị thế mua hay bán tại đây đều gặp nhiều rủi ro và giới đầu tư nên đứng ngoài quan sát.
Đường 11 đang giằng co mạnh ở quanh vùng giá 19.8 cent với biên độ 0.3 – 0.4 cents, trùng với khoảng giữa 2 đường 38.2 và 61.8 của Fibonacci mở rộng. Vùng mây kumo xanh ở dưới rất dày và khả năng hỗ trợ là tương đối mạnh.
Ép mía tại khu vực miền nam Brazil trong nửa đầu tháng 05 đạt 34.37 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đường cũng chỉ đạt 1.67 triệu tấn, giảm đến hơn 30% do các nhà máy ưu tiên cho việc sản xuất ethanol. Do đó, nhiều khả năng giá đường sẽ tiếp tục kiểm tra lại vùng kháng cự tâm lý 20 cents trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Bảo Trung
 
Giá đồng giằng co và có thể đi theo các tín hiệu kỹ thuật khi vắng bóng tin tức cơ bản
Trong phiên giao dịch sáng nay, giá đồng liên tục giằng co quanh mức 4.24 USD/pound trước các dữ liệu kinh tế tiêu cực tại Mỹ và nhu cầu tiêu thụ chưa có sự bứt phá tại Trung Quốc.
Số đơn đặt hàng hoá lâu bền trong tháng 4 tại Mỹ đạt mức tăng 0.4%, thấp hơn dự báo tăng 0.6% và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của tháng trước. Trong khi đó, theo Bloombergs, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn đang ở mức yếu, các chỉ số phụ đo lường lượng đơn đặt hàng mới tại quốc gia này chưa cho thấy xu hướng tăng lên. Sản xuất tại hai cường quốc trên thế giới suy giảm sẽ chưa thể cho thị trường nguyên vật liệu đầu vào một sự bứt phá rõ rệt.
Tối nay, các dữ liệu về GDP quý 1 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần của Mỹ sẽ được công bố. GDP quý 1 theo thống kê sơ bộ trước đó đã cho thấy mức tăng trưởng -1.4%, và nếu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp, điều đó càng củng cố thêm sự suy yếu trong nền kinh tế Mỹ và có thể sẽ tiếp tục gây ra áp lực lên giá đồng.
Về phía nguồn cung, sản lượng đồng tại mỏ Las Bambas, Peru, chiếm 2% sản lượng trên thế giới vẫn đang trong tình trạng đóng băng khi các cuộc đàm phán giữa người dân bản địa và Chính phủ đã kết thúc vào hôm qua mà chưa đạt được thoả thuận nào. Tuy nhiên, thị trường đồng vẫn đang tập trung hơn về phía tiêu thụ, và mỏ đồng này cũng đã đóng cửa hơn 1 tháng. Do vậy, tin tức này vẫn không thể mang lại động lực tăng đáng kể cho thị trường đồng.
Xét về mặt dài hạn, bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới các ngành sản xuất, các chuyên gia cho rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế “không carbon” vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong 3 thập kỷ tới. Nhu cầu về đồng, niken, coban trong năng lượng tái tạo sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ theo cấp số qua từng năm.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4, giá đồng đang cho thấy sự giằng co quanh ngưỡng hỗ trợ 4.24 USD/pound và nhiều khả năng sẽ bật tăng trở lại. Các nhà đầu tư nên đợi nến xanh xác nhận trước khi mở vị thế mới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hạnh
 
Giá dầu khả năng sẽ quay trở lại đà tăng trong 1-2 phiên tới dưới sự dẫn dắt của các yếu tố cơ bản
Giá dầu nhích nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường loay hoay tìm lối đi trước một loạt các dữ liệu mới. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 0.51% lên 110.33 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0.39% lên 111.12 USD/thùng.
Theo ước tính của Vortexa Analytics, việc Trung Quốc tranh thủ mua dầu Nga giá rẻ có thể khiến cho nhập khẩu dầu qua đường biển trong tháng 5 từ Nga đạt 1.1 triệu thùng/ngày, cao hơn đáng kể so với con số 800,000 thùng/ngày trong năm 2021. Trên thị trường, Trung Quốc được biết đến là một khách hàng nhậy cảm với giá, và đang tích cực thu mua dầu vào các kho dự trữ. Ấn Độ cũng được cho là đã nhập khẩu 270,000 thùng/ngày từ Nga trong tháng 4, cao hơn đáng kể so với con số 66,000 thùng/ngày trong tháng 3. Tuy vậy, các con số này khó có thể làm giảm thiểu nhiều tác động của gói trừng phạt thứ 6 mà EU đề xuất, hướng đến lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga áp dụng cho 27 thành viên. cho Trong suốt 1 tháng qua, thông tin chính trên thị trường vẫn là gói cấm vận thứ 6 mà Liên minh châu Âu EU đề xuất áp đặt lên Nga. Giới phân tích cảnh báo điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc giao dịch gần 3 triệu thùng/ngày dầu thô và các sản phẩm về dầu của Nga, còn như đã phân tích ở trên lượng dầu thu mua từ các khách hàng châu Á có thể cũng chỉ rơi vào trên 500,000-700,000. Hơn thế nữa, giá dầu của Nga đang ở mức cạnh tranh còn khiến cho Trung Quốc giảm thu mua từ Iran khoảng 200,000 thùng/ngày, mà Iran lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng cho các quốc gia khác, do đang chịu cấm vận từ Mỹ. Như vậy, về tổng thể, một khi lệnh cấm vận được thông qua, bất kể các biện pháp xúc tiến bán hàng sang châu Á của Nga, sản lượng của nước này chắc chắn sẽ sụt giảm.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số không có nhiều thay đổi, với RSI và MACD tiếp tục ở vùng trung tính. Tuy vậy, dải Bollinber Bands tiến dần lên trên. Giá liên tục được hỗ trợ tại vùng 109.5 tạo ra điểm mua vào tương đối tốt. Có thể canh mua dầu WTI kỳ hạn tháng 07/2022 ở vùng 109-109.5 và kỳ vọng chốt lời 1-1.5 USD/thùng trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV