Giá đậu tương có khả năng sẽ bước vào nhịp hồi phục ngắn hướng lên vùng 1400 trong đầu tuần này
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đang lấy lại được sắc xanh với mức tăng nhẹ. Sau báo cáo tồn kho quý vào cuối tuần trước khiến cho giá lao dốc mạnh, hiện tại đậu tương đang ở quanh hỗ trợ là vùng đáy được thiết lập vào đầu tháng 8. Lực mua kĩ thuật cũng là yếu tố góp phần lý giải cho diễn biến sáng nay của mặt hàng này. Theo đánh giá của chúng tôi, trong nửa đầu tuần, khả năng giá đậu tương sẽ hồi phục trở lại vùng kháng cự 1400 sẽ chiếm ưu thế.
Tồn kho đậu tương Mỹ cuối niên vụ 21/22 được ước tính cao hơn so với dự kiến trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu đang chậm lại, với sự cạnh tranh gia tăng từ Argentina và Brazil sẽ là yếu tố “bearish” mạnh đến giá trong trung hạn. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ chưa thể khiến giá đậu tương phá vỡ vùng 1350 trong vài phiên tới do rủi ro đối với nguồn cung vẫn còn hiện diện. Mỹ đang ở trong mùa bão với nguy cơ xảy ra các cơn mưa lớn và khiến cho hoạt động thu hoạch bị gián đoạn. Trong khi đó, tiến độ hiện tại mặc dù chỉ ở giai đoạn đầu nhưng cũng đã có dấu hiệu chậm trễ hơn so với các niên vụ trước do bị kéo theo bởi từ quá trình gieo trồng. Theo dự báo thời tiết, trong tuần này, một hệ thống các cơn dông sẽ đem lại lượng mưa đáng kể cho khu vực phía tây và đồng bằng phía bắc. Dự kiến có thể xuất hiện gió giật đi kèm với mưa đá nhỏ và nguy cơ xảy ra lũ lụt sẽ khiến cho hoạt động thu hoạch đậu tương tại đây bị ảnh hưởng và là yếu tố hạn chế đà giảm của giá.
Một yếu tố khác mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu đậu tương nhưng cũng đóng vai trò khá lớn đối với diễn biến gần đây của giá là đồng USD. Áp lực từ việc thắt chặt tiền tệ đã khiến cho Dollar Index tăng mạnh lên mức cao nhất trong 20 năm qua nhưng chỉ số này đang có dấu hiệu điều chỉnh trở lại sau đà tăng cao. Đây cũng có thể là yếu tố sẽ góp phần giúp giá đậu tương hồi phục trong ngắn hạn.

Giá hai mặt hàng cà phê khả năng cao cùng suy yếu trong phiên hôm nay do tác động từ yếu tố kỹ thuật.
Kết thúc tuần giao dịch 26/09 – 02/10, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica ghi nhận sự khởi sắc nhờ tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US chạm mức thấp nhất trong hơn 23 năm qua, Robusta ghi nhận mức giảm mạnh gần 4% do cây cà phê không bị thiệt hại gì khi bão Norru đổ bộ vào Việt Nam.
Nguồn cung cà phê Arabica trên toàn cầu đang trong tình trạng không mấy khả quan so với dự đoán ban đầu của các tổ chức cà phê trên thế giới khi 2 nhà xuất khẩu số 1 thế giới là Brazil và Colombia trong tới gian gần đây đều có những báo cáo cho thấy số liệu về sản lượng đang ở mức thấp hơn so với những gì được dự đoán hồi đầu năm. Với Brazil, 2022 vốn là năm được mùa đối với cà phê Arabica của quốc gia này, với kỳ vọng sản lượng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau tác động tiêu cực từ thời tiết trong năm trước. Tuy nhiên, thực tế dưới ảnh hưởng kéo dài từ thời tiết băng giá và khô hạn vào năm ngoái, sản lượng Arabica niên vụ này tại Brazil có ghi nhận sự hồi phục nhưng mức độ hồi phục là không đạt được kỳ vọng khi trong báo cáo mới nhất về cà phê, Cơ quan Cung ứng của chính phủ Brazil đã phải cắt giảm dự báo sản lượng khoảng 3 triệu bao. Với Colombia, quốc gia này cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của yếu tố thời tiết, khiến sản lượng cà phê trong 8 tháng đầu năm ghi nhân mức giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo dữ liệu về xuất khẩu mới nhất trong tháng 08 cũng giảm mạnh 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đấy, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) vào cuối tháng 08 cũng đưa ra báo cáo về số liệu xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 07, ghi nhận sụt giảm hơn 6% so với tháng trước đó. Như vậy, nhìn chung xu hướng sản lượng toàn cầu về cà phê trong năm 2022 đang trong trạng thái suy yếu so với những dự đoán được các tổ chức đưa ra hồi đầu năm, khiến thị trường trở nên lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu được dự báo có sụ hồi phục, điều này sẽ trở thành yếu tố hỗ trợ giá trong dài hạn.
Về mặt thời tiết, dự báo trong 10 ngày tới tại Brazil, mưa vẫn kéo dài tại khu vực Đông Nam. Do đó, Minas Gerais và các vùng xung quanh ghi nhận lượng mưa dư thừa 20-50 mm so với bình thường. Điều kiện thời tiết ẩm ướt dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của cây cà phê ở Đông Nam, Brazil và là yếu tố gây áp lực lên giá trong phiên hôm nay.

Nguồn cung suy giảm sẽ hạn chế lực bán trên thị trường đồng, nhưng sức ép vĩ mô có thể lấn át
Giá đồng đang gặp sức ép bán trong phiên giao dịch đầu tuần khi triển vọng tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất tại nhiều nền kinh tế, đặc biệt là khu vực Châu Á vẫn chưa có sự khởi sắc rõ rệt. Tuy nhiên, sức ép từ một vài thông tin về nguồn cung có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm của giá trong các phiên sắp tới.
Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc gần như không mở rộng trong tháng 9 đã gây ra nhiều ảnh hưởng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc gia này. Chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Nhật Bản giảm từ mức 51.5 xuống 50.8 vào tháng 9, trong khi PMI sản xuất của Đài Loan trở về mức thấp nhất kể từ giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5/2020, đạt mức 42.5. Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều là những nền sản xuất hàng đầu tại khu vực châu Á và đều nằm trong top tiêu thụ đồng hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, về nguồn cung, dữ liệu mới đây cho thấy sản lượng đồng tại Chile trong tháng 8 giảm khoảng 2% so với tháng trước và giảm 9.4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 422,888 tấn. Một số gián đoạn tại các mỏ cùng với chất lượng quặng giảm sút đã khiến sản lượng đồng tại quốc gia này liên tục giảm kể từ tháng 5 cho đến nay. Trong khi đó, mỏ đồng Los Pelambres của công ty Antofagasta tại Chile đang đứng trước nguy cơ bị đình công khi các công nhân đòi hỏi quyền lợi công bằng từ phía công ty. 94% thành viên công đoàn tại mỏ đồng này đã đình công sớm nhất từ ngày 12/10 nếu Công ty không yêu cầu Bộ Lao động không hòa giải và không đạt được thoả thuận. Đây có thể sẽ là thông tin hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng trong các phiên tới.
Mặt khác, tiêu thụ ở phía thị trường Trung Quốc mặc dù phục hồi chậm nhưng đã có tín hiệu khởi sắc hơn. Tỷ lệ sử dụng trung bình tại các nhà máy thép dây đồng ở Trung Quốc đã tăng lên 70%, từ 62% vào đầu tháng 8, và tỷ lệ tại các nhà máy ống đồng tăng lên 67% từ 64% trong cùng kỳ. Tuy nhiên tuần này Trung Quốc sẽ bước vào tuần lễ nghỉ Quốc Khánh, do đó, nhu cầu có thể tạm thời chững lại. Giá đồng nhiều khả năng vẫn sẽ chịu áp lực khi các yếu tố vĩ mô tiếp tục là rào cản lớn đối với triển vọng tiêu thụ đồng. 

Vẫn còn dư địa tăng, giá dầu nhiều khả năng sẽ đón nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp
Giá dầu vẫn trì sắc xanh sau khi mở cửa gap-up trong phiên đầu tuần. Thông tin quan trọng nhất duy trì đà tăng của giá là khả năng Saudi Arabia có thể tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu để thúc đẩy giá.
Theo tính toán của Bloomberg, nếu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng ở mức 500,000 thùng/ngày, thì xét về tổng thể, với 14 trên tổng số thành viên và đồng minh đang sản xuất ở dưới hạn ngạch, chỉ có 6 nước là Saudi Arrabia, UAE, Kuwait, Gabon, South Sudan và Algeria sẽ thực sự phải hạn chế sản xuất trong tháng 11. Điều này về lý thuyết sẽ khiến cho tổng sản lượng nhóm trang tháng 11 giảm khoảng 126,000 thùng/ngày so với tháng 10, tương đương 0.12% nguồn cung dầu thế giới, một con số không đáng kể. Tuy nhiên, với mức giảm 1 triệu thùng/ngày, sản lượng sẽ giảm khoảng 337,000 thùng/ngày. Kết hợp với số liệu trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn của EIA tháng 9, con số này sẽ đẩy thị trường từ mức thặng dư nhẹ sang mức gần như cân bằng. Nếu Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm vài trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày nữa, thì thị trường sẽ quay trở lại trạng thái thiếu hụt. Kết hợp với gói cấm vận thứ 7 đi vào hiệu lực, châu Âu ngừng nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga từ tháng 12, và châu Á cũng đang giảm bớt các chuyến tàu nhập khẩu dầu Urals, thị trường có thể mất thêm 500,000 thùng dầu/ngày trong các tháng cuối năm. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ để cho giá có thể quay trở lại vùng 90 USD/thùng trong vài tháng tới. Rủi ro còn lại là khả năng kinh tế thế giới suy thoái nặng nề và khiến nhu cầu giảm mạnh hơn là các ước tính hiện tại.

Nguồn: Vinanet/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)