Tình hình mùa vụ kém khả quan ở Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì hồi phục trở lại trong phiên hôm nay
Lúa mì lại tiếp tục là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên sáng nay bất chấp các số liệu cho thấy tình hình mùa vụ kém khả quan ở Mỹ. Giá đang có dấu hiệu suy yếu về vùng hỗ trợ 830 – 835, nơi đã liên tiếp đẩy giá lúa mì hồi phục trong vài phiên vừa qua. Theo đánh giá của chúng tôi, đây vẫn có khả năng sẽ tiếp tục đóng vai trò là hỗ trợ kĩ thuật đối với giá trong phiên hôm nay, với bối cảnh lo ngại về nguồn cung sẽ khiến giá lúa mì khó có thể giảm sâu.
Theo báo cáo Crop Progress sáng nay, hoạt động gieo trồng lúa mì vụ đông đã sắp hoàn thành với tiến độ đạt mức 92% diện tích dự kiến. Con số này cũng bắt kịp so với mức trung bình 5 năm qua nhưng chất lượng cây trồng lại cực kì kém. Chưa tới 1/3 diện tích được đánh giá tốt – tuyệt vời, mặc dù cải thiện nhẹ so với mức thấp kỉ lục trong tuần trước nhưng vẫn nằm dưới mức kì vọng của thị trường và mức 45% trong cùng kì năm ngoái. Hạn hán năm nay đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng cây trồng, trong khi lúa mì vụ đông lại chiếm phần lớn tỉ trọng trong sản lượng lúa mì hàng năm của Mỹ. Chính vì thế nên báo cáo trên đã phần nào phản ánh triển vọng nguồn cung của Mỹ sẽ thắt chặt hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, với những số liệu tiêu cự như vậy nhưng lực bán vẫn đang chiếm ưu thế hơn do xét trong dài hạn, tỉ lệ cây trồng tốt – tuyệt vời không phải là số liệu thường thể hiện mối quan hệ ngược chiều đối với mức năng suất cuối cùng. Mặc dù tỉ lệ này đạt mức 48% trong báo cáo về chất lượng lúa mì vụ đông đầu tiên trong năm 2016, thấp hơn so với đánh giá cây trồng trong 2 niên vụ trước đó nhưng năng suất lúa mì niên vụ 16/17 lại được ước tính là mức cao nhất từ trước đến nay. Đánh giá chất lượng cây trồng sẽ chỉ là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới ước tính về năng suất cuối vụ nên báo cáo sáng nay sẽ không phải là yếu tố “bullish” mạnh đối với giá trong dài hạn.
Giá bông khả năng cao sẽ đảo chiều giảm trong phiên hôm nay trước áp lực từ thông tin cơ bản
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, bông vẫn duy trì sự khởi sắc với phiên tăng thứ 5 liên tiếp khi Dollar Index tiếp tục giảm. Trong khi, đường 11 ghi nhận mức giảm nhẹ dưới sự dẫn dắt của giá dầu thô và việc Ấn Độ tuyên bố hạn ngạch xuất khẩu đường cho giai đoạn 1 ở mức 6 triệu tấn, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Không ngoài dự đoán khi tiến độ thu hoạch bông tại Mỹ vẫn diễn biến vô cùng tích cực trong tuần kết thúc 06/11. Trên tổng số 15 bang đại diện cho 99% bông tại Mỹ, 62% sản lượng dự kiến đã được thu hoạch, cao vượt trội so với mức 54% của cùng kỳ năm ngoái và 55% của trung bình 05 năm. Dù sản lượng bông trong niên vụ hiện tại của Mỹ được USDA dự đoán ở mức thấp nhất trong 07 năm, tiến độ thu hoạch tích cực vẫn sẽ khiến nguồn cung ở thời điểm hiện tại được đẩy ra dồi dào hơn, từ đó gây sức ép lên giá.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, sẽ không nới lỏng chính sách “Zero Covid” sau thông báo số ca mắc mới cao nhất vào đầu tuần. Thông tin này khiến những kỳ vọng trước đó về việc nhu cầu tiêu thụ của nước này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới sau dữ liệu mua hàng tích cực vào cuối tuần trước. Việc nhu cầu tiêu thụ có thể suy yếu khi nguồn cung đang sẵn có, sẽ là mối lo đối với giá bông trong thời gian tới.
Áp lực từ dịch bệnh và yếu tố hỗ trợ từ nguồn cung eo hẹp có thể khiến giá đồng liên tục giằng co
Sức ép bán tiếp tục tìm kiếm thị trường đồng trong phiên sáng nay trước thông tin số ca nhiễm Covid-19 của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng, làm dấy lên lo ngại về việc duy trì Chính sách Zero-Covid sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ đồng tại quốc gia này.
Nền kinh tế Trung Quốc vật lộn với tăng trưởng vẫn đang là cản trở lớn đối với đà phục hồi của giá đồng. Theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế Bloomberg, Trung Quốc đang phải đối diện với áp lực giảm phát ngày càng tăng do nhu cầu suy yếu buộc nhiều công ty phải cắt giảm giá thành phẩm. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 10 đang được dự đoán nhiều khả năng sẽ giảm lần đầu tiên sau 22 tháng. Sự trở lại của giảm phát sẽ làm tổn hại thêm đến lợi nhuận của các công ty Trung Quốc và làm yếu kém hơn nữa các hoạt động sản xuất trong trường hợp thiếu vắng các kích thích kinh tế. Mặc dù điều này có thể khiến giá hàng hoá xuất khẩu cạnh tranh hơn, nhưng nhu cầu trên thế giới cũng đang gặp áp lực do môi trường lãi suất cao tại nhiều quốc gia lớn, đó sẽ là trở ngại cho thương mại quốc tế của Trung Quốc.
Như vậy, đà phục hồi mạnh mẽ của giá đồng chỉ thực sự diễn ra khi Trung Quốc có các kích thích kinh tế hiệu quả. Muốn vậy, trước hết, bài toán về phong toả, dịch bệnh cần phải được giải quyết, trong khi thị trường dự đoán Zero-Covid vẫn có thể sẽ được duy trì cho đến hết quý I/2023. Do đó, mặc dù giá đang phá vỡ đường xu hướng giảm nhưng động lực tăng vẫn sẽ rất chậm chạp.
Yếu tố hỗ trợ cho giá hiện tại vẫn sẽ chủ yếu là kỳ vọng mong manh của nhà đầu tư về sự nới lỏng chính sách kiểm soát dịch, và mức tồn kho thấp kỷ lục, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc. Tồn kho đồng trên sở COMEX hiện đang trở về mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, với 36,230 tấn. Tồn kho trên sở LME cũng giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 năm nay, trong khi thị trường Trung Quốc cũng đang ở tình trạng thiếu hụt nguồn cung đồng dạng vỉ và đồng phế liệu cho các nhà máy chế biến. Cán cân cung cầu về đồng toàn cầu cũng được dự đoán sẽ thâm hụt trong năm nay. Đây sẽ là yếu tố ngăn cản đà giảm mạnh của đồng so với giai đoạn vài tháng trước.
Giá dầu nhiều khả năng tạo ra đà tăng trong tuần này khi tâm lý tích cực lan rộng trên thị trường
Giá dầu nhiều khả năng phục hồi trong phiên giao dịch ngày hôm nay, khi các yếu tố hỗ trợ thúc đẩy giá tạo đà tăng mới.
Mặc dù giới phân tích, trong đó có ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết họ kỳ vọng Trung Quốc chỉ mở cửa từ quý II năm sau, nhưng thị trường đang nắm lấy hy vọng ít nhất một số quy định về biện pháp phòng chống dịch sẽ được nới lỏng, ví dụ rút ngắn thời gian cách ly. Bên cạnh đó, các thay đổi mặc dù chưa được chính quyền trung ương thông báo rộng rãi, nhưng tình hình có vẻ đang thay đổi ở cấp địa phương. Các nhà chức trách muốn tránh tình trạng phong tỏa kéo dài như tại Thượng Hải hè này, khi doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu tìm kiếm vị trí đặt nhà máy ở nước khác. Điều này đang thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường rủi ro, và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu ở quốc gia này khởi sắc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung trong tháng 12. Người mua châu Á được cho là đang ráo riết nhập các chuyến tàu chở dầu của Nga, do lo ngại các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn, đặc biệt các đội tàu chở dầu của châu Âu, sẽ tránh giao nhận khi mà các thông tin và quy định vận chuyển vẫn chưa được công bố rõ ràng. Việc hình thành nên các dòng chảy dầu mới sẽ được thiết lập khi Nga tìm được khách hàng mới, tuy nhiên sẽ mất thời gian để thế giới thích ứng được với các thay đổi mà yếu tố địa chính trị đem lại.