Trước tình trạng họat động buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, ngày 26/8/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt về buôn lậu thuốc lá và ngày 20/10/2020 Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 8750/VPCP-VI về việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. Theo đó, từ ngày 15/10/2020, người kinh doanh, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ dù chỉ 1 gói (bao) thuốc lá nhập lậu cũng có thể bị phạt tới 3 triệu đồng.
Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại; trong đó Long An là địa bàn có số vụ bị tịch thu lớn nhất 930 vụ, thu 1,6 triệu bao; Tây Ninh 307 vụ, thu giữ 252.800 bao; TP.HCM 609 vụ, tịch thu hơn 489.600 bao...
Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, sáng 27/10/2020, Đoàn kiểm tra do Đội QLTT số 6 chủ trì, phối hợp Đội QLTT số 4, Đội 3 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ 2.490 bao thuốc lá ngoại hiệu Jet và Hero và 420 bao thuốc lá có dán tem thuốc lá sản xuất trong nước hiệu "555" và "Craven” không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng ngày, 01 Đoàn kiểm tra khác của Đội QLTT số 6 chủ trì, phối hợp Đội 3 - PC03 - Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang tàng trữ 80 bao thuốc lá ngoại hiệu Jet và Hero. Ngoài ra còn có 410 bao có dán tem thuốc lá sản xuất trong nước mang thương hiệu “555” và “Craven” không có hóa đơn, chứng từ xuất trình chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm, chuyển về Đội QLTT số 6 xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 ngày, lực lượng chức năng tại Bình Dương đã phát hiện và thu giữ 2.570 bao thuốc lá ngoại nhập lậu và 830 bao thuốc lá nghi vấn giả mạo nhãn hiệu.
Giữa tháng 9/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử tại địa chỉ số 5 Ngô Quyền và số 6 Nhà Chung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu giữ hơn 1.300 máy hút thuốc lá điện tử và các phụ kiện thay thế. Những sản phẩm này đều có chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng An Giang đã kiểm tra phát hiện vi phạm 1035 vụ mua bán vận chuyển tàng trữ thuốc lá lậu với số lượng thu giữ 820.172 gói thuốc lá lậu, xử lý hành chính 217 vụ, xử phạt số tiền 8.988 tỷ đồng, khởi tố 22 vụ.
Trong 2 năm (2019 - 2020), TP.HCM xử phạt 212 trường hợp hút thuốc lá tại các điểm giao thông công cộng với tổng số tiền phạt 88 triệu đồng. Tại bến xe buýt Sài Gòn đã nhắc nhở 1.863 hành khách và 1.400 cán bộ, nhân viên tại bến xe về việc việc hút thuốc lá tại bến. Từ ngày 1/1/2020 đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt 42 trường hợp vi phạm là tài xế xe buýt với tổng số tiền phạt 21 triệu đồng. Tại bến xe Miền Tây, trong 9 tháng đầu năm 2020, cũng đã xử phạt 103 trường hợp vi phạm là cá nhân, tổ chức có ký kết hợp đồng với bến xe. Với những trường hợp có ký kết hợp đồng với bến xe sẽ xử phạt 300.000 đồng/trường hợp vi phạm, riêng với nội bộ nhân viên của bến sẽ bị trừ 10% lương với 1 lần vi phạm.
Thực trạng này cho thấy, việc thực hiện nghiêm túc việc chống buôn lậu thuốc lá là vô cùng cần thiết. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp cụ thể trong công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu đối với các địa bàn phức tạp, trọng điểm như các địa bàn giáp ranh; tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động.
Kinh nghiệm từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng cho thấy việc sớm có biện pháp quản lý phù hợp cho từng loại thuốc lá khác nhau dựa trên chuỗi nguy cơ khác nhau là một trong những chìa khóa giúp ngăn chặn tình trạng mua bán bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Thông tin từ thanhnien.vn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc thuốc lá thế hệ mới nhập vào Việt Nam qua đường không chính thức, đồng nghĩa với nguy cơ bị thuốc lá giả với chất lượng không kiểm soát được. Do đó, trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá nói chung, rất cần tập trung cả việc phòng chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới, cần sớm có nghiên cứu để đưa thuốc lá thế hệ mới vào diện quản lý, để kiểm soát tình trạng sử dụng trong cộng đồng cũng như tránh thất thu ngân sách.
Từ góc nhìn của nhà sản xuất thuốc lá hợp pháp, ông Rodney Van Dooren, Trưởng bộ phận Phòng chống buôn lậu của Philip Morris International (PMI) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng cho rằng, cần tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, cũng như xây dựng các quy định phù hợp để quản lý sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam. Việc này giúp tránh thất thu thuế, đảm bảo lợi ích của người hút thuốc trưởng thành Việt Nam và nhà sản xuất hợp pháp.
Đ. Thủy [Theo Tổng cục QL thị trường (dms.gov.vn), Thanh niên, Pháp luật và cuộc sống]

Nguồn: VITIC