Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,4 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Dù Việt Nam đã tham gia công ước khung về kiểm soát thuốc lá - FCTC cùng 181 quốc gia khác, đồng thời có nhiều chính sách pháp luật nhằm phòng chống tác hại thuốc lá như: Tăng cường thông tin, giáo dục về thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc; Áp dụng mức thuế thuốc lá cao; Cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá; Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá song tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn giảm rất thấp (22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020). Đặc biệt, tỷ lệ người tiếp xúc thụ động với thuốc lá vẫn rất cao, cao nhất ở khu vực nhà hàng, quán cà phê, quán bar.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện K mới đây, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá chiếm khoảng 49.000 tỷ đồng/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là khoảng 1% GDP tại Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình sức khỏe Việt Nam, một trong những cách hiệu quả nhất chính là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế là biện pháp kiểm soát tốt nhất tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam như hiện nay. Với mức tăng thuế đủ lớn, sẽ giảm được số người hút thuốc, giảm bệnh tật và tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, tăng thuế ở mức đủ cao sẽ là biện pháp đóng vai trò quan trọng, có hiệu quả chiếm hơn 40% trong các biện pháp, chính sách về phòng chống thuốc lá. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, cũng như xây dựng các chính sách pháp lý toàn diện, lấy tiền đề cốt lõi, đặt lên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người dân.
Một Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến 2030 cũng đã được lên kế hoạch xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá cũng như tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng. Ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trong cộng đồng.
Hiện nay, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đang phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc xây dựng các chính sách, các giải pháp và triển khai nhiều hoạt động hướng đến giảm khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, cũng là để hạn chế các khoản chi tiêu lớn cho việc mua thuốc lá và chữa những bệnh liên quan đến thuốc lá, xây dựng môi trường trong lành, không có khói thuốc lá.
Bộ Y tế đang cùng với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung vào một số chính sách hướng đến giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: Tăng thuế thuốc lá; Cảnh báo sức khỏe; Cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc và truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá...
Trong đó, tập trung đặc biệt cho công tác truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của bệnh tật đối với bản thân người sử dụng và gây hại cho cả người xung quanh do phải hút thuốc lá thụ động; những tốn kém kinh tế gia đình khi hằng năm phải chi một khoản lớn để mua thuốc lá, để chữa bệnh do tác hại của thuốc lá gây ra trong khi khoản kinh tế này có thể dùng được vào việc khác ích lợi hơn cho bản thân và gia đình.

Nguồn: VITIC tổng hợp