Ở nước ta, số ca tử vong do các bệnh từ thuốc lá gây ra gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trên toàn quốc. Mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra, con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN. Theo số liệu gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam cũng đang tăng lên nhanh chóng. Do vậy, để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá cần nỗ lực bền bỉ của cả xã hội, cần có biện pháp và hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Ảnh minh họa
Một số biện pháp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá:
1. Tăng giá và tăng thuế: Cần tăng giá và thuế đối với thuốc lá nhằm ngăn chặn việc hút thuốc lá ở thanh thiếu niên. Thuế thuốc lá của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Số thuế thu được từ thuốc lá rất thấp, trong khi thị trường thuốc lá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến thanh thiếu niên và nhiều người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Giá thuốc lá rẻ - đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá. Việc tăng thuế đối với sản xuất và tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam là rất cần thiết để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
2. Kiểm tra, giám sát: Tiếp tục làm quyết liệt trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá thế hệ mới nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
3. Chính sách rõ ràng: Ban hành chính sách quản lý rõ ràng, chặt chẽ đối với thuốc lá điện tử để khắc phục khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử.
4. Tuyên truyền, giáo dục: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và cả xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá; khơi dậy thế hệ trẻ nói không với thuốc lá; tuyên truyền việc thực hiện đúng các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Công ước khung FCTC.
5. Tăng cường quản lý và phối hợp: Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý và phối hợp trong việc giám sát và xử lý các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các công ty thuốc lá.
Bên cạnh đó, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cần tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử; tăng cường thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá được triển khai toàn diện tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính. Các bộ, ngành liên quan có những giải pháp ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Sản phẩm này vẫn được bán trên thị trường và quảng cáo theo những cách thức gây hiểu lầm đối với những người trẻ tuổi. Đẩy mạnh truyền thông cảnh báo mọi người, ở mọi lứa tuổi về tác hại nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc lá gây ra. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các biện pháp sẽ nâng cao nhận thức sâu rộng trong nhân dân góp phần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. 

Nguồn: VITIC tổng hợp