Thuốc lá mới có nên được định danh là thuốc lá?
Thuốc lá truyền thống và các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng dù khác nhau về cách vận hành, sử dụng, nhưng nếu những sản phẩm thuốc lá mới có cùng nguyên liệu thuốc lá như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định thì đã đủ điều kiện để áp dụng quản lý theo luật này.
Theo Thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hội nghị lần thứ 8 (COP8) về Kiểm soát thuốc lá đã nêu: “(Hội nghị) nhìn nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, và do đó cần phải áp dụng Công ước Khung của WHO (đối với mặt hàng này)”.
Tại phiên giải trình của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định: “Thuốc lá làm nóng chỉ thay đổi cách “đốt” thuốc lá (khác với thuốc lá điếu), nhưng vẫn có tính chất là sợi thuốc lá và các chất của thuốc lá, nên vẫn là thuộc khái niệm thuốc lá”.
Trong khi đó, thuốc lá điện tử dù không có sự đốt cháy như thuốc lá điếu, nhưng lại sử dụng dung dịch và nicotine hóa lỏng được thêm vào trong bình dung dịch, thiết bị điện tử sẽ hóa dung dịch này để giải phóng nicotine gây nghiện. Chất nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá thông thường. Một số loại thuốc lá điện tử có chứa lượng nicotine tương đương một bao (20 điếu) thuốc lá truyền thống.
Mới đây, chia sẻ tại một tọa đàm, đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cũng đã nhấn mạnh trong tên gọi “thuốc lá thế hệ mới” là đã có chữ “thuốc lá.” Theo đó, trong mục định nghĩa về thuốc lá tại Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có ghi rõ: Sản phẩm thuốc lá sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá một phần hoặc toàn bộ, ở dưới các dạng khác nhau (như hút, nhai, ngửi…), “và các dạng khác.” Như vậy, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành chính là căn cứ pháp lý để quản lý mặt hàng này.
Ảnh minh họa
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định như thế nào?
Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và ngày 02/7/2012 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này và có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013.
Luật có 5 chương và 35 điều, với các chính sách pháp luật cơ bản về giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, bao gồm: Quy định những nội dung cơ bản về PCTHTL bao gồm phạm vi điều chỉnh, các nguyên tắc mang tính định hướng, chính sách cơ bản để thúc đẩy công tác PCTHTL và các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHTL; Quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; Quy định các biện pháp này nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá để giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, gắn liền với tốc độ giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, góp phần PCTHTL một cách hiệu quả và bền vững; Quy định các điều kiện bảo đảm để PCTHTL và các Điều khoản thi hành để phát huy tính hiệu quả khi Luật áp dụng vào thực tiễn.
Như vậy, đối chiếu dựa các quy định của luật PCTHTL cùng các đánh giá phân tích của các chuyên gia, tổ chức quốc tế và ý kiến một số bộ ngành liên quan, có thể kết luận rằng thuốc lá mới được xác định là sản phẩm thuốc lá và đủ điều kiện để áp dụng quản lý theo luật PCTHTL.
Việc áp dụng quản lý thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng thống nhất theo các quy định trong luật PCTHTL sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người dân, qua đó hỗ trợ cho Việt Nam đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.