Công dân cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo với cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá... Với những quy định cụ thể như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá dự báo sẽ có tính khả thi cao, nâng cao được ý thức người bán và người hút thuốc lá, giảm được tác hại của thuốc lá gây ra đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua việc thực thi còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thiếu tính khả thi. Nhiều địa điểm được quy định cấm hút thuốc lá như bệnh viện, trường học, phương tiện giao thông công cộng…vẫn còn hiện tượng hút thuốc, chưa có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Ý thức của người hút thuốc lá chưa có chuyển biến tích cực; các hành vi vận chuyển, mua bán thuốc lá vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là các hành vi buôn lậu thuốc lá tại các khu vực biên giới, cửa khẩu đang có chiều hướng gia tăng. 
Chính vì vậy, để Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có tính khả thi và đảm bảo được thực thi nghiêm túc, đã đến lúc cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần chú trọng thực thi nghiêm hơn nữa một số các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành sâu rộng đến toàn thể quần chúng nhân dân với những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; chú trọng tuyên truyền thông qua các hình ảnh về tác hại của thuốc lá gây ra nhằm nâng cao nhận thức và chuyển biến ý thức của người dân trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thứ hai, cần nghiêm cấm triệt để việc hút thuốc lá tại các cơ quan nhà nước. Nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước có hành vi hút thuốc lá cần có hình thức xử lý như không xét thi đua khen thưởng, hoặc xử lý kỷ luật, có những hình thức xử phạt hành chính phù hợp để răn đe, nhắc nhở… như vậy mới khắc phục tình trạng hút thuốc tại cơ quan nhà nước hiện nay.
Thứ ba, ngoài việc quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần bổ sung việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc nếu xảy ra tình trạng người hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Đồng thời, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải có trách nhiệm bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên túc trực, nhắc nhở các hành vi hút thuốc lá xảy ra.
Thứ tư, cần xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá có tính khả thi, theo hướng chú trọng xử lý vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá; các cơ sở phân phối thuốc lá; xử lý vi phạm đới với người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá… xây dựng lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đủ mạnh để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm xảy ra.
Thứ năm, cần chú trọng việc kiểm soát tình trạng sản xuất, buốn bán thuốc lá như các hành vi vi phạm quảng cáo, không chấp hành quy định in ấn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; hạn chế nhập khẩu thuốc lá, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi buôn lậu thuốc lá qua biên giới và cửa khẩu. Tăng cường việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc lá nhằm ngăn chặn và xử lý hành mua, bán thuốc lá lậu.
Có như vậy, việc triển khai Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mới phát huy hiệu quả tích cực nhằm hạn chế số ca tử vong do thuốc lá gây ra, qua đó, tăng cường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, khắc phục tình trạng lãng phí thời gian, tiền của của người hút thuốc, cũng như tiết kiệm nguồn ngân sách khổng lồ của Nhà nước trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay.

Nguồn: VITIC tổng hợp