Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó có sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá đối với người hút thuốc còn hạn chế. Điều này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa các biện pháp truyền thông về thuốc lá và tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí truyền thông tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Báo chí, truyền thông đã góp phần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới cộng đồng; phản ánh chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền rộng rãi những tấm gương điển hình về việc thực hiện môi trường không khói thuốc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên mọi phương tiện, thể loại và hình thức.
Theo báo cáo của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), 60% số người được hỏi có nghe thấy hoặc nhìn thấy các thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe trên các phương tiện truyền thông và 70% số người trả lời có nhìn thấy các biển cấm hút thuốc các khu vực ngoài trời. 84% người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe bản thân, 83% người hút thuốc lá lo lắng cho sức khỏe gia đình. 50% số người hút thuốc cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên gia đình.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ khi được thành lập đã hỗ trợ kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại thuốc lá và pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Đơn cử như tuyên truyền thông qua các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương, trang mạng xã hội, hoạt động truyền thông trực tiếp, các cuộc thi, nói chuyện chuyên đề, hội thảo hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tập thể...
Đồng thời, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cũng đã triển khai xây dựng mô hình điểm không khói thuốc như thành phố, điểm du lịch không khói thuốc, khách sạn không khói thuốc, nhà hàng không khói thuốc, cơ sở y tế không khói thuốc, trường học không khói thuốc...
Cũng thông qua hỗ trợ các sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá, một số mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc lá được thực hiện. Trong đó, Hội Y tế công cộng Việt Nam đã kiện toàn mạng lưới phòng, chống tác hại thuốc lá ở tuyến cơ sở, huy động những người cao tuổi còn khỏe mạnh, minh mẫn và tình nguyện đóng góp cho cộng đồng, tham gia phụ trách truyền thông cho một cụm hộ gia đình về phòng, chống tác hại thuốc lá, quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng và ngôi nhà không khói thuốc.
Tuy nhiên, giữa nhận thức và hành vi vẫn còn khoảng cách quá xa, số người hút thuốc trong cộng đồng vẫn chưa có nhiều biến chuyển sau nhiều năm vận động, tuyên truyền. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới và mỗi năm có khoảng 40 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Nếu không có giải pháp can thiệp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng và sự thay đổi trong hành vi của người dân, dự tính số người tử vong vì hút thuốc vào năm 2030 sẽ lên đến 70 nghìn người. Do vậy, công tác truyền thông về thuốc lá và phòng chống tác hại của thuốc lá có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.
Hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá. “Bỏ thuốc lá vì sức khỏe và hạnh phúc gia đình”.

Nguồn: VITIC tổng hợp