Đây là triển lãm thường niên được tổ chức 2 lần/năm, lần đầu vào tháng 8 tại TP. Hồ Chí Minh và lần thứ 2 vào tháng 12 tại TP. Hà Nội. Vietnam Medi Pharm Expo năm nay với sự góp mặt của 280 doanh nghiệp là các tâp đoàn lớn, các công ty uy tín đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô trưng bày 350 gian hàng. Nổi bật là 10 khu gian hàng quốc gia như: Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ…
Trong đó, Kazakhstan là quốc gia tham dự Vietnam Medipharm Expo lần đầu tiên với sự hỗ trợ của Bộ Đầu tư và Phát triển Kazakhstan trưng bày các sản phẩm: Dược phẩm, ống thu gom máu chân không, các sản phẩm y tế sử dụng một lần nhằm mở rộng thị trường Việt Nam và trao đổi kinh nghiệm trong điều trị hiếm muộn dưới sự phối hợp của Bệnh viện chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh.
Khu gian hàng các DN quốc gia Iran cũng là lần đầu tiên tham gia, nhóm mặt hàng chính được giới thiệu là dược phẩm. Sau chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào giữa tháng 3 vừa qua, Việt Nam và Iran nhất trí thúc đẩy nâng kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong năm năm tới. Việc tham gia triển lãm lần này cũng là một trong những bước đi mới của các doanh nghiệp Iran trong hoạt động tìm kiếm thị trường tại Việt Nam.
Đánh giá về thị trường ngành dược - thiết bị y tế (TBYT) Việt Nam, ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và ngành dược - TBYT thuộc nhóm các ngành hấp dẫn đầu tư nhất hiện nay. Theo thống kê, doanh thu của thị trường trang TBYT Việt Nam ước tính hiện vào khoảng 800 triệu USD/năm, con số này có thể đạt tới 1,2 tỷ USD vào năm 2016 và nâng lên 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt khoảng 18-20%/năm.
Hiện nay, khoảng 90% trang TBYT ở Việt Nam là nhập khẩu; trong đó, các quốc gia cung cấp chủ yếu TBYT cho Việt Nam là Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu TBYT của Việt Nam. Như vậy có thể thấy, nhu cầu đầu tư TBYT tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm chuyên sâu… Việc đầu tư trang TBYT công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…). Riêng TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm tới ước tính sẽ đầu tư khoảng 900 triệu USD để nâng cấp TBYT cho các bệnh viện.
Do đó, triển lãm lần này sẽ là một cơ hội tốt cho các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ngành dược - TBYT tại Việt Nam.
Nguồn: Mai Ca/Báo Công Thương điện tử