Trong bài phát biểu trước Viện Nghiên cứu Brookings, ông Richard Berner – Giám đốc của cơ quan giám sát các rủi ro thuộc lĩnh vực tài chính trong cuộc Đại Suy thoái – cho biết dường như thanh khoản tại các thị trường này “ngày càng mong manh”, tức là có thể đầy đủ trong các điều kiện bình thường nhưng lại đột ngột biến mất trong các giai đoạn căng thẳng.
Chẳng hạn như đà biến động mạnh của trái phiếu Chính phủ châu Âu trong 2 tháng qua cũng như đợt rung chuyển trên thị trường trái phiếu Mỹ vào mùa hè năm 2013 do Fed thu hồi chương trình nới lỏng định lượng (QE), và cú sụp đổ chóng vánh (flash crash) vào tháng 10/2014.
“Các sự kiện này không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính Mỹ và chúng tôi cũng không biết rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các sự kiện đó đã nêu bật được sự yếu kém tiềm ẩn của các thị trường, vốn là yếu tố có thể gia tăng tác động của các cú sốc tài chính”, ông Berner cho biết.
Theo ông, vẫn còn quá sớm để thảo luận về biện pháp khắc phục.
Ông Berner cho biết thêm: “Chúng tôi không có tất cả các câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến đà sụt giảm của thanh khoản thị trường, và tôi cho rằng sẽ không hay lắm nếu cứ cố gắng đề xuất biện pháp khắc phục cho đến khi chúng tôi nắm bắt tốt hơn các nguyên nhân”.
Trong khi quy tắc Volcker, với nội dung hạn chế các ngân hàng tiến hành hoạt động tự doanh - thường được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thanh khoản, ông Berner lại cho rằng cấu trúc của các thị trường đã thay đổi và cần phải được xem xét kỹ trước khi quy kết cho bất kỳ nguyên nhân nào.
Theo ông Berner, một trong những thay đổi đó là hoạt động giao dịch tần suất cao và giao dịch dựa trên các thuật toán đã lan từ thị trường cổ phiếu sang các thị trường tài sản cố định. Các nhân tố khác có thể là sự thay đổi mang tính chu kỳ của cung cầu tài sản thế chấp, quy định và sự thay đổi cơ sở nhà đầu tư.
Theo Phước Phạm
VietStock

Nguồn: VietStock