Các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ thảo luận đề xuất mà Mỹ đưa ra tuần trước đó là tiến tới một thỏa thuận bên lề về việc lập một ủy ban gồm đại diện từ 12 nước thành viên TPP để bàn đến các trường hợp thao túng tiền tệ.

Thỏa thuận bên lề về thao túng tiền tệ sẽ hoàn tất và tách rời với TPP. Theo nguồn thạo tin, các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ diễn ra giữa các bộ trưởng tài chính, nhưng không phải trong kỳ đàm phán từ 28-31/7 này.

Hiện đàm phán về thao túng tiền tệ vẫn ở giai đoạn đầu, vẫn cần các chuẩn bị về mặt kỹ thuật. Mỹ hiện đề xuất một cơ chế cho phép các bộ trưởng tài chính, giới hoạch định chính sách tiền tệ giải quyết các vấn đề tiền tệ nhằm minh bạch hơn và tránh thao túng.

Bộ Tài chính Mexico đầu tháng này phát tín hiệu cho biết vấn đề thao túng tiền tệ sẽ được thảo luận trong bối cảnh TPP. Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew và người đồng cấp Mexico hôm 16/7 cũng đã thảo luận về chương tài chính trong TPP, cụ thể là vấn đề chính sách tỷ giá.

Hơn 1 nửa nghị sỹ Quốc hội Mỹ năm 2013 đã kêu gọi đưa điều khoản thao túng tiền tệ vào TPP và các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, trong phiên điều trần trước Quốc hội, đã phản đưa thêm các điều khoản cấm thao túng tiền tệ vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào. Theo bà, việc đưa vào những điều khoản như vậy sẽ cản trở hay thậm chí là làm khó cho chính sách tiền tệ.

Những năm gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã ghìm giá nội tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Trong khi đó, làn sóng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương cũng lan rộng ở khu vực châu Á, từ Trung Quốc, Ấn Độ cho tới Singapore, nhằm khiến cho nội tệ rẻ hơn để giành lợi thế xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ khi cố gắng dùng công cụ tỷ giá để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước.
Minh Phương
Theo ISO