Mặc dù chỉ số MSCI toàn thế giới không đổi so với phiên 22/9 nhưng các chỉ số chứng khoán cơ bản tại các thị trường lớn lại đồng loạt giảm.
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống thấp nhất kể từ ngày 4/9 trong khi Dow Jones cũng giảm 0,3% với tổng 5,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Năng lượng là lĩnh vực có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất tại Mỹ do giá dầu thô WTI chốt phiên giảm 4% khi các nhà máy lọc dầu cắt giảm công suất.
Cổ phiếu giảm giá một phần do báo cáo sơ bộ không khả quan của lĩnh vực sản xuất tại Mỹ. Theo số liệu sơ bộ của Markit, chỉ số PMI sản xuất tháng 9 của Mỹ vẫn ở mức thấp nhất gần 2 năm - 53 điểm.
Tại châu Á, chỉ số MSCI châu A Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/8 với 2,4%.
Trong đó, Shanghai Composite Index của Trung Quốc chốt phiên giảm 2,2%, bất chấp trong bài phát biểu tại Mỹ hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình khẳng định chứng khoán nước này đang hồi phục.
Hang Seng trên sàn chứng khoán Hong Kong cũng giảm 2,26%. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm gần 2%, trong khi Kospi (Hàn Quốc) mất 1,9%.
Chứng khoán châu Âu đến phiên chiều ngày 23/9 ũng có chung xu hướng giảm. Stoxx Europe 600 Index mất 0,5%, đảo chiều sau đầu phiên đi lên nhờ số liệu sản xuất Pháp tốt hơn kỳ vọng.
Giới đầu tư đang mất dần niềm tin vào tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hôm qua, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm do tỷ lệ thất nghiệp cao, sự suy giảm trong giao dịch toàn cầu cũng như năng suất kém giữa các nền kinh tế tiên tiến và phát triển.
IMF cho biết sẽ phát hành dự báo chính thức về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong vài tuần tới.
Nguyễn Dung
Theo Reuters, Bloomberg