Giám đốc tài chính của Fourlis, công ty nhận chuyển nhượng quyền thương mại của tập đoàn nội thất Ikea tại Hy Lạp, Síp và Bulgaria cho biết, doanh thu của công ty tại thị trường Síp giảm khoảng 30% chỉ trong 3 tháng ngay sau khi Síp được cứu trợ vào tháng 3/2013.
Và hiện giờ là Hy Lạp. Bế tắc đàm phán giữa Hy Lạp và chủ nợ quốc tế làm dấy lên lo ngại Hy Lạp sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) hoặc Hy Lạp sẽ áp dụng chính sách kiểm soát dòng vốn. Do đó, các chủ doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu nhất. Mặc dù khả năng Hy Lạp rời Eurozone là rất ít nhưng khả năng áp dụng chính sách kiểm soát dòng vốn kiểu Cộng hòa Síp là điều rất có thể xảy ra.
Kể từ khi Hy Lạp làm dậy lên cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone năm 2009, các doanh nghiệp ở đây đối mặt với tình trạng không thể vay vốn ngân hàng. Chính thời gian khó khăn, bất ổn đó đã dạy cho họ bài học quý giá là giữ tiền ở nước ngoài để phát triển các thị trường xuất khẩu, các lãnh đạo doanh nghiệp Hy Lạp chia sẻ.
Theo số liệu thống kê, hơn 100 tỷ euro tiền gửi của các doanh nghiệp và hộ gia đình Hy Lạp đã rút khỏi hệ thống ngân hàng nội địa kể từ cuối 2009. Titan Cement Co., một trong những công ty đã vượt qua khủng hoảng tài chính Mỹ và cuộc chính biến năm 2011 ở Ai Cập, giữ hầu hết tiền mặt ở nước ngoài. Cụ thể, trong số 138 triệu euro tiền mặt dự trữ của Titan, chỉ 12 triệu euro được giữ ở Hy Lạp.
“Chúng tôi chỉ giữ lại các khoản chi phí hoạt động trong nước và sẽ dồn vốn theo từng tuần. Ngay cả khi chính phủ kiểm soát dòng vốn thì chúng tôi vẫn đủ thanh khoản để tiếp tục hoạt động”, một giám đốc doanh nghiệp Hy Lạp cho biết.
Phương Linh
Theo Bloomberg