Mặc dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa nâng lãi suất trong cuộc họp tháng Chín, Ngân hàng Trung ương vẫn còn hai cơ hội để thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2015, đó là phiên họp trong tháng 10 này và tháng 12 tới.
Một số chuyên gia lo ngại đồng tiền của thị trường mới nổi sẽ giảm giá mạnh so với đồng USD, khi bạc xanh tìm đường quay trở lại thị trường Mỹ để đón lãi suất cao hấp dẫn.
Trong một phân tích mới nhất, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) đã đánh giá mức độ bị ảnh hưởng của tiền tệ một số nền kinh tế.
15 vùng lãnh thổ được nghiên cứu trong phân tích là Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines - những nước nằm trong báo cáo thường kỳ của JCER. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á được bổ sung là Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài ra, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Nga được đưa vào với mục đích so sánh
Nổi bật, kết quả nghiên cứu cho thấy đồng tiền của Malaysia chịu rủi ro nhiều nhất so với những đồng tiền khác tại Đông Nam Á.
Dự đoán phản ứng của cả một thị trường tiền tệ là nhiệm vụ phức tạp. Tuy nhiên để phục vụ mục đích phân tích, trung tâm đã chọn ra 5 chỉ báo kinh tế làm tiêu chí. Đó là cán cân vãng lai, cán cân tài khóa, nợ nước ngoài, tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lạm phát.
Nợ nhiều, dự trữ ít
Trong biểu đồ dưới đây, trục tung minh họa tỷ lệ của cán cân vãng lai trên GDP, trục hoành minh họa cán cân tài khóa của chính phủ trên GDP. Số liệu cán cân vãng lai và cán cân tài khóa được cập nhật trong 3 năm tính đến 2014.
Nhìn chung, đồng tiền của những nước chịu "thâm hụt kép" dễ bị ảnh hưởng nhất. Ấn Độ và Indonesia đang cải thiện đáng kể cán cân vãng lai. Các vùng lãnh thổ còn lại tại châu Á, ngoại từ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc và Philippines đang trong vùng thâm hụt tài khóa.
Đáng chú ý, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam và Malaysia đang thu hẹp dần.
Trong minh họa tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP, trục hoành minh họa tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên nợ nước ngoài trong ngắn hạn. Số liệu cập nhật mới nhất tính đến tháng 3/2015.
Tính trên trục hoành, con số càng nhỏ chứng tỏ nợ nước ngoài càng thấp. Tính trên trục tung, con số càng lớn chứng tỏ dự trữ ngoại hối của nền kinh tế càng dồi dào, tăng sức "đề kháng" của đồng bản tệ.
Từ biểu đồ, có thể thấy đồng tiền của Malaysia chịu nhiều rủi ro nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Nam Phi đang gánh khối nợ nước ngoài khổng lồ, tuy nhiên vẫn thua Malaysia. Kho dự trữ ngoại hối của quốc gia tại Đông Nam Á này chỉ nhiều hơn 10% so với nợ nước ngoài trong ngắn hạn.
Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia và Việt Nam cũng lún trong tình trạng tương tự, mặc dù mức độ nhẹ hơn. Tỷ lệ nợ nước ngoài vào khoảng 30 – 40%, kho dự trữ ngoại hối nhiều hơn gấp đôi so với nợ nước ngoài ngắn hạn.
Nợ nước ngoài của Philippines ở mức khiêm tốn so với khu vực, trong khi két tiền dự trữ cũng dồi dào hơn.
Xét đến lạm phát, tỷ lệ của Indonesia vào khoảng 7%, được xem là khá cao. Theo sau là Malaysia tại 3%. Tỷ lệ lạm phát tại Thái Lan và Philippines đang giảm hướng về mốc 1%.
Yếu tố chính trị
Theo nghiên cứu của JCER, đồng tiền của Malaysia không chỉ đối mặt rủi ro từ yếu tố Fed, mà còn chịu tác động từ hai biến động kinh tế đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, đó là giá dầu thô giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Malaysia không phải là nước duy nhất tại Đông Nam Á chịu tác động từ bất ổn chính trị. Ví dụ, Thái Lan đã chịu sự điều hành của chính quyền quân sự trong một thời gian dài. Indonesia đang đặt câu hỏi đối với khả năng lãnh đạo của Tổng thống Joko Widodo. Philippines sẽ bắt đầu bầu cử chính quyền mới vào tháng 5/2016.
Do đó, muốn dự đoán chuyển biến của thị trường tiền tệ tại Đông Nam Á, cần để mắt tới xu hướng chính trị bên cạnh kế hoạch nâng lãi suất của Fed, JCER lưu ý.
Theo Lê Phương
Bizlive