Khảo sát của EIU cho thấy, trong 5 năm tới, các công ty Châu Á sẽ tập trung vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia để mở văn phòng mới hoặc các nhà máy mới. Trong 10 năm tới, họ sẽ tập trung nhiều hơn vào các thị trường Việt Nam, Myanmar và Thái Lan.

Trong khi 71% số người trả lời cho rằng họ có kế hoạch mở nhà máy mới hoặc văn phòng mới tại Trung Quốc trong 5 năm tới, nhưng chỉ có 23% sẽ thực hiện như vậy trong 10 năm tới.

Các doanh nghiệp dự định mở rộng hoạt động sang Myanmar sẽ tăng gần gấp đôi, từ 22% trong 5 năm tới lên 42% trong 10 năm tới.

Tương tự, các doanh nghiệp có ý định mở rộng hoạt động sang Việt Nam sẽ tăng từ 30% trong 5 năm tới lên 38% trong 10 năm tới, và con số này tại Thái Lan sẽ tăng từ 31% lên 36%.

Chi phí lao động tại Trung Quốc tăng được cọi là một yếu tố thúc đẩy các hãng sản xuất xem xét chuyển hoạt động sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Nghiên cứu cho thấy các công ty ngành dịch vụ cũng muốn mở rộng hoạt động sang khu vực Đồng bằng Sông Mêkông. Trong ngành dịch vụ tài chính và ngành nghề, một nửa số người trả lời khảo sát cho biết họ muốn mở văn phòng mới ở Myanmar trong 1 thập kỷ tới.

Dù hứng thú đầu tư mới tại Trung Quốc giảm sau 5 năm tới, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của nước này đối với khu vực.

Các công ty tại Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác mối liên hệ về thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc với các nước Châu Á khác, và 41% số doanh nghiệp Trung Quốc nói họ đã áp dụng chiến lược kinh doanh riêng cho toàn khu vực.

Ngoài ra, gần 1/5 số người khảo sát cho biết họ sẽ sử dụng đồng Nhân dân tệ để thực hiện thanh toán 20 - 50% hóa đơn giao dịch trong 5 năm tới, mức nhiều thứ 2 sau đồng USD.

Theo đánh giá của EIU, các thị trường sơ khai tại Châu Á như Myanmar và Việt Nam bây giờ có thể trở thành những thị trường mới nổi tăng trưởng cao vào nay mai

EIU thực hiện khảo sát với 525 lãnh đạo doanh nghiệp tại 7 thị trường chính ở Châu Á, làm việc trong các ngành năng lượng, chế biến chế tạo và công nghệ.

Theo Trung Nghĩa
NDH

Nguồn: NDH