Ngày 2/6, euro có phiên tăng mạnh nhất hơn 2 tháng so với USD nhờ những thông tin tốt từ Hy Lạp.
Chủ nợ nhất trí điều khoản cứu trợ Hy Lạp, lạm phát Eurozone tăng đẩy euro lên 1,1195 USD/EUR, trước khi giảm về 1,1151 USD/EURR, hay tăng 2%. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ 18/3 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ dự báo tăng trưởng và đưa ra kế hoạch nâng lãi suất.
Các chủ nợ của Hy Lạp vừa nhất trí hối thúc Hy Lạp chấp thuận kế hoạch cứu trợ trước thời điểm cuối tuần này, theo đó Hy Lạp sẽ phải thực hiện cải cách kinh tế để đổi lấy gói cứu trợ 7,2 tỷ euro. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của eurozone lo ngại, một số điều khoản có thể khiến Hy Lạp bác bỏ kế hoạch đề xuất. Một trong những điều khoản đó là yêu cầu Hy Lạp đạt thặng dư ngân sách 3,5% GDP trong trung hạn.
Trong khi đó, USD mất đà tăng sau số liệu kinh tế kém lạc quan như chi tiêu tiêu dùng giảm, đơn đặt hàng công nghiệp giảm. Thị trường đang chờ số liệu về thị trường lao động Mỹ dự kiến công bố cuối tuần này. Yên tiếp tục xuống đáy 12 năm so với USD, hiện giao dịch ở 124,11 yên/USD.
USD tăng giá mạnh từ nửa sau năm 2014 đến những tháng đầu năm 2015 với kỳ vọng Fed sẽ sớm nâng lãi suất, trong khi ngân hàng trung ương một số nền kinh tế lớn khác trong đó có Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Đà tăng này chững lại vào tháng 3 khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm 0,7% trong quý I làm dấy lên đồn đoán Fed sẽ lui thời gian nâng lãi suất.
Steven Englander, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược tiền tệ các thị trường phát triển của Citigroup ước tính kể từ giữa tháng 5 khoảng 40% đến 65% nhà đầu tư đặt cược USD tăng giá.
Tuy nhiên, USD hiện vẫn bị cho là định giá quá cao so với yên và euro, giá trị thực chri là 1,2 USD/EUR, 107 yên/USD. Câu hỏi đặt ra là khi nào thị trường tài chính bắt đầu giảm mức định giá quá cao này của USD, câu trả lời có lẽ là đến khi Fed thực sự bắt đầu nâng lãi suất.