Những đồn đoán này được cho là một trong những yếu tố tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu suốt thời gian qua.
Kết thúc 2 ngày họp vào hôm qua 17/6, Fed tuyên bố sẽ giữ nguyên lãi suất gần 0% do tăng trưởng kinh tế chững lại, tuy nhiên vẫn theo đuổi kế hoạch nâng lãi suất vào cuối năm nay. Tín hiệu vừa phát đi của Fed làm dấy lên đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 12, thay vì tháng 9 như dự đoán trước đó.
Bloomberg đã đưa ra những đánh giá ai được, ai mất sau khi Fed nâng lãi suất.

Ai được?
USD được cho là sẽ tăng mạnh sau khi Fed nâng lãi suất, Daniel Tenegauzer, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu và thị trường mới nổi tại RBC Capital Markets nhận định. Theo chuyên gia này, các ngân hàng trung ương khác sẽ hạ lãi suất, tăng cung tiền và phá giá nội tệ, USD sẽ càng tăng mạnh hơn sau khi Fed nâng lãi suất.
Chứng khoán toàn cầu sẽ được hưởng lợi do USD tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ đối với các sản phẩm từ châu Á và châu Âu, giúp cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp ở những khu vực này. Các ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi bởi họ có thể kiếm thêm lợi nhuận từ các khoản cho vay, Matthew Whitbread, giám đốc quỹ đầu tư Barings Asset Management nhận định.
Các công ty bảo hiểm đầu tư tiền phí bảo hiểm của khách hàng với mục đích có đủ khả năng để thanh toán khi có thiệt hại xảy ra và thu về lợi nhuận, bởi vậy họ không hài lòng nếu lãi suất vẫn mãi ở mức 0 như hiện nay. Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi, lãi suất sẽ được nâng lên, cho dù chậm đến mức nào đi nữa, Douglas Meyer, chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings nhận định.
Fed tăng lãi suất đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ đang phục hồ hay nói cách khác Fed đã hoàn thành nhiệm vụ của định chế tài chính quyền lực nhất thế giới.
Lou Crandall, kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP tại New Jersey nhận định: “Họ được giao nhiệm vụ và đến giờ nó vẫn đang tiến triển tốt. Nâng lãi suất chính là một biểu hiện cho việc hoàn tất quá trình”.

Ai thua?
Ngân sách liên bang Mỹ bị cho là sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Fed nâng lãi suất. Chính phủ Mỹ có thể phải trả 2,9 nghìn tỷ USD lãi vay trong vòng 10 năm tới nếu nâng lãi suất từ từ, theo ước tính của Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ và Dean Baker, đồng giá đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế tại Washington.
Khách vay doanh nghiệcụ thể là các doanh nghiệp ồ ạt vay với lãi suất thời gian qua nhằm mua lại cổ phần hay trả cổ tức sẽ chịu sức ép lớn khi lãi suất tăng. Điều này là bởi họ phải đảm bảo sự tăng trưởng của lợi nhuận. Và đó sẽ là vấn đề lớn khi lãi suất tăng, Charles Peabody, chuyên gia kinh tế tại Portales Partners LLC tại New York nhận định.
Các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi sẽ đối mặt với thời kỳ khó khăn từ nửa sau của năm 2015 do dòng tiền sẽ chuyển hướng về Mỹ, Stephen L. Jen, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập SLJ Macro Partners LLP tại London bình luận.
Hiện tại, các thị trường tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi đã cho thấy những dầu hiệu căng thẳng và tôi cho rằng vào cuối năm nay nhà đầu tư sẽ cảm nhận được sự hoảng loạn ở những thị trường này”, Jen nói. 
Bản thân Fed vừa là người chiến thắng cũng là người chiến bại bởi kế hoạch nâng lãi suất sắp tới cùng với việc ngừng chương trình mua trái phiếu, Fed sẽ hầu như không còn vũ khí để thúc đẩy kinh tế nếu kịch bản suy giảm kinh tế lặp lại, Daniel Alpert, giám đốc tại Westwood Capital nhận định.
Trong khi đó, có những thành phần ít chịu ảnh hưởng ngay cả khi nâng lãi suất. Có thể kể đến là người gửi tiền hay giá hàng hóa. Chu kỳ bong bóng giá hàng hóa và bùng nổ đã diễn ra trong vài thập kỷ qua do đó Fed tăng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến đà giảm giá gần đây của hàng hóa. Hay nói cách khác, biến động giá hàng hóa không phải lỗi của Chủ tịch Fed Janet Yellen.

Minh Phương
Theo Bloomberg