Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7, chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu giảm hơn 1%, trong khi chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi giảm 2,1%. Euro STOXX 50 gồm nhóm các cổ phiếu blue-chip của eurozone cũng giảm 2,2%.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 0,3% chốt phiên ở 17.683 điểm. S&P 500 mất 0,4% xuống 2.068 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 4.991 điểm.
Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm sau khi Hy Lạp nói “Không” với các điều khoản cứu trợ của chủ nợ quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp tiến gần hơn tới nguy cơ vỡ nợ hàng loạt và rút khỏi khu vực đồng tiền chung (Eurozone).
Thị trường tài chính toàn cầu cũng chao đảo do xu hướng bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Bắc Kinh đã phải tung ra các biện pháp giải cứu khẩn cấp sau khi thị trường chứng khoán giảm 30% kể từ giữa tháng 6. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính ổn định của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, đà giảm của chứng khoán toàn cầu được hạn chế sau thông tin Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis bất ngờ tuyên bố từ chức song cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras đàm phán để đạt được thỏa thuận tốt hơn với chủ nợ.
Trên thị trường tiền tệ, phiên giao dịch hôm qua, euro gần như đi ngang so với yên, giao dịch ở 135,47 yên/EUR, thoát đáy 6 tuần. Euro giảm 0,1% so với USD xuống 1,1044 USD/EUR, nhưng vẫn cao hơn mức thấp nhất 1 tháng thiết lập hồi cuối tháng 6.
Mặc dù euro vẫn tỏ ra khó vững trước khủng hoảng Hy Lạp nhưng theo giới chuyên gia, tương lai mờ mịt của Hy Lạp trong Eurozone cũng như những bất ổn tài chính của quốc gia này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng dài hạn của đồng euro.
Minh Phương
Theo Reuters, WSJ