Trong số 2.854 công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc, có một cổ phiếu vượt qua được bài kiểm tra mà ông tổ của trường phái đầu tư giá trị Benjamin Graham đưa ra trong cuốn “The Intelligent Investor” (tạm dịch: Nhà đầu tư thông minh). Được xuất bản năm 1949, đây là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett hay Seth Klarman.
Đó là cổ phiếu của Luthai Textile – một công ty dệt may Trung Quốc có giá trị 2,3 tỷ USD. Là nhà cung cấp cho các thương hiệu toàn cầu như Zara và Marks & Spencer, ở Luthai hội đủ tất cả các yếu tố mà Graham nêu ra: tỷ lệ nợ thấp, lợi nhuận tăng trưởng vững chắc và trả cổ tức đều đặn. Luthai cũng nằm trong số ít các công ty chưa theo kịp cơn bùng nổ của chứng khoán Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Tất nhiên, Luthai chỉ rẻ hơn so với một thị trường đại lục đã tăng trưởng 150% trong 12 tháng qua. Cổ phiếu loại B (niêm yết bằng ngoại tệ) của Luthai đã tăng 27% trong cùng kỳ, được giao dịch với tỷ lệ P/E thấp hơn 90% so với mức trung bình của TTCK Trung Quốc. Đó là mức chênh lệch đủ lớn để hấp dẫn một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới.
T. Rowe Price, First State Investments và AllianceBernstein đều đã mua vào cổ phiếu Luthai trong suốt năm vừa qua, trong khi quỹ quốc gia Na Uy cũng như quỹ Bill & Melinda Gates Foundation của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đều có cổ phần ở đây. Đây là danh sách cổ đông và nhà đầu tư rất ấn tượng đối với một công ty gần như không hề có tiếng tăm trên thế giới như Luthai.
Ngài thị trường
“Nếu bạn nhìn vào chứng khoán Trung Quốc, khó có thể tìm ra công ty nào có các chỉ số dài hạn tốt hơn Luthai”, David Devine, giám đốc điều hành của quỹ Lynas Capital (tính đến hết tháng 12 năm ngoái đang sở hữu 4,4% cổ phần của Luthai) nói.
Dẫu vậy, không có gì khẳng định chắc chắn rằng “phiên bản Trung Quốc” của Ngài Thị trường (từ được Graham sử dụng đầu tiên để miêu tả bản chất không kiên định của giá cổ phiếu) sẽ bỏ qua Luthai.
Trong cơn sốt giá với số lượng kỷ lục các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đua nhau rót tiền vào các cổ phiếu mới lên sàn và cổ phiếu công nghệ, một công ty dệt may đã niêm yết từ năm 1997 khó có thể trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đối với công ty quản lý quỹ BMO Global, Luthai nằm trong top 2% các cổ phiếu toàn cầu khi quỹ này mua cổ phần của Luthai vào tháng 10/2014. BMO đã xây dựng một chuỗi các mô hình định lượng (một số trong đó được lấy nguồn cảm hứng từ Graham) để chọn ra các cổ phiếu đang ở mức giá thấp hơn giá trị.
Graham (người đã qua đời năm 1976), đã đưa ra 7 điều kiện cần thiết để một cổ phiếu trở nên phù hợp với các nhà đầu tư “phòng thủ”. Dưới đây là danh sách 7 điều kiện và kết quả đối chiếu với cổ phiếu của Luthai:
* Quy mô công ty: Graham – người đã dạy Buffett tại ĐH Columbia – cho rằng một công ty phải có doanh thu đạt mức tối thiểu 100 triệu USD/năm. Năm ngoái Luthai báo cáo doanh thu 994 triệu USD.
*Sức mạnh tài chính: ít nhất tài sản lưu động phải lớn gấp đôi so với nợ ngắn hạn (tỷ lệ của Luthai là 2,06 lần). Đồng thời nợ dài hạn phải thấp hơn tài sản lưu động ròng.
*Sự ổn định của lợi nhuận: mỗi năm trong 10 năm gần nhất, công ty đáp ứng được yêu cầu của Graham đều phải có lợi nhuận dương. Luthai luôn kiếm ra tiền kể từ năm 1998 tới nay.
* Lịch sử chi trả cổ tức: công ty luôn chi trả cổ tức trong ít nhất 20 năm liên tiếp. Kể từ khi Bloomberg bắt đầu thu thập các số liệu về Luthai kể từ năm 1998, Luthai luôn đều đặn trả cổ tức cho cổ đông.
*Tăng trưởng lợi nhuận: trong 10 năm gần nhất, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận theo năm đạt tối thiểu 2,9%. Tỷ lệ ở Luthai là hơn 10%.
*Tỷ lệ P/E: trong 3 năm gần nhất, P/E của cổ phiếu không được vượt quá 15 lần. Tỷ lệ của Luthai là 11,6 lần.
*Tỷ lệ P/B dưới 1,5 lần (nếu cổ phiếu có tỷ lệ P/E dưới 15 lần, tỷ lệ P/B có thể cao hơn khi cộng cả hai tỷ lệ này cho ra con số thấp hơn 22,5). Tỷ lệ P/B của Luthai là 1,51 lần và tổng của hai tỷ lệ ở mức 17,5 lần.
Theo Thu Hương
CafeF/Trí Thức Trẻ