Vào năm 2008, các nền kinh tế châu Á đã có lý do hợp lý để chạy đua trong việc tách khỏi phương Tây đang chật vật chống đỡ với khủng hoảng. Vụ sụp đổ của Lehman Brother tại Mỹ và sự lây lan sau đó khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những khách hàng đáng tin cậy. Không có gì đáng ngạc nhiên, họ chuyển sang bám vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh so với phần còn lại của thế giới.
Nhưng sự chuyển hướng đó đến giờ lại giống như một quyết định sai lầm. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và hiện đã lộ ra rất nhiều bất ổn. Thị trường chứng khoán “chìm nghỉm” và các quan chức tại Bắc Kinh khó có thể duy trì vị trí đối tác ổn định và đáng tin cậy của Trung Quốc. Có lẽ các nước châu Á một lần nữa lại đang muốn tách khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Theo chuyên gia kinh tế Tamara Henderson đến từ Bloomberg, chính sự kiện Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ lại trở thành một cơ hội để châu Á sớm thực hiện quá trình này. “Giống như châu Á đã tách khỏi sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ trong quá khứ khi làn sóng khủng hoảng tài chính nổ ra để chạy sang hưởng lợi từ những gói kích thích kinh tế to lớn của Trung Quốc, việc FED nâng lãi suất càng thúc giục các nước châu Á giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông viết trong báo cáo mới nhất.
Dù đối lập với luồng ý kiến thông thường, cho rằng việc ngừng các biện pháp nới lỏng tiền tệ của FED có thể là điều tốt cho châu Á không phải là điều vô căn cứ. Những gì đã xảy ra kể từ 2008 (khi các thị trường tài chính rơi vào cơn hoảng loạn và các ngân hàng là trung tâm của những bất ổn) khiến nhiều người nhận thức một cách thông thường rằng việc FED nâng lãi suất sẽ tạo ra một làn sóng chấn động khắp thế giới. Dòng tiền đầu tư sẽ quay trở lại Mỹ và các nền kinh tế mong manh sẽ phải cầu cứu IMF. Tuy nhiên, xét về mặt rủi ro, các yếu tố kinh tế cơ bản của châu Á vẫn tương đối khỏe mạnh. Hệ thống tài chính đã mạnh hơn, minh bạch hơn và dự trữ ngoại hối đang được tích trữ đủ lớn, do đó có thể tránh được một cuộc khủng hoảng như năm 1997.
Đồng thời, lãi suất của Mỹ cao hơn là một trong những chỉ báo cho thấy rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là cỗ máy tiêu dùng lớn nhất đang phục hồi trở lại. Thời điểm bắt đầu một chu kỳ thắt chặt lãi suất mới sẽ phát đi một tín hiệu quan trọng rằng: đã đến lúc để các nước lại đặt niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này. FED đánh giá cao, muốn có được niềm tin này và rồi cuối cùng giới đầu tư toàn cầu cũng sẽ tin vào kinh tế Mỹ, sai đó chuyển hướng đầu tư quay lại đây.
Sau cùng thì chính sách lãi suất siêu thấp phản ánh tâm lý bi quan của giới đầu tư về triển vọng thị trường. Do đó việc bình thường hóa lại mức lãi suất của Mỹ “về mặt lý thuyết” chính là đã loại bỏ được những bất ổn trên các thị trường tài chính, đồng thời sẽ làm tăng tính chấp nhận rủi ro cao hơn trong hoạt động đầu tư của giới đầu tư tại Mỹ và toàn cầu. Điều này do đó sẽ đẩy dòng vốn quay trở lại châu Á, hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ tạo năng suất cao, giáo dục... Lợi suất trái phiếu giảm và bảng cân đối của NHTW ổn định hơn giúp các Chính phủ có nhiều công cụ hơn để ổn định tăng trưởng.
18 năm kể từ khủng hoảng 1997, châu Á đã học được hai bài học đau đớn nhưng quý giá. Bài học thứ nhất đó là sự nguy hiểm của việc nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Và bài học thứ hai đó là rủi ro từ việc phụ thuộc vào một đối tác thương mại duy nhất (Mỹ, Trung Quốc). Bài học đầu tiên không phải hoàn toàn do chủ quan. Châu Á, mặc dù đã đạt được tiến bộ khi tạo ra được mảng dịch vụ phát triển mạnh hơn trong tổng thể cấu trúc nền kinh tế, nhưng việc xuất khẩu hàng hóa vẫn đóng vai trò chính tạo tăng trưởng. Còn bài học thứ hai cũng cần củng cố thêm nhiều, khi mà các nền kinh tế tại đây đơn thuẩn chỉ thay thế đối tác lớn nhất của họ (trước khủng hoảng 2008) là Mỹ bằng Trung Quốc và tính đa dạng hóa thương mại, tăng trưởng chưa được thực hiện một cách đúng nghĩa.
Một trong số các vấn đề nằm trong 2 bài học này đã bị đổi lỗi là do những biện pháp kích thích, nới lỏng tiền tệ quá mức trong 7 năm qua của FED khiến các nền kinh tế chạy theo tăng trưởng từ nguồn vốn giá rẻ. Tất cả những gì các nền kinh tế phải làm đó là “ngấu nghiến” tận dụng nguồn vốn giá rẻ từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản (đặc biệt là Mỹ và Nhật) và cùng lúc đó khai thác nhu cầu đang tăng của kinh tế Trung Quốc. Nhưng chu kỳ đó bây giờ đã qua khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại còn Mỹ và châu Âu đang lên kế hoạch để dỡ dần các gói kích thích của mình, hướng tới một chu kỳ thắt chặt. Và điều này đặt áp lực lên các chính phủ tại các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu phải tạo ra việc làm trong những ngành công nghiệp ngoài xuất khẩu để ổn định kinh tế.
Chắc chắn là có rất nhiều rủi ro khi FED nâng lãi suất. Fed có thể đi quá xa, như họ đã làm vào giữa và cuối những năm 1990. Đột ngột tăng mạnh lãi suất sau thời gian dài giữ ở mức thấp đã gây sốc cho thị trường tài chính. Nhưng như những gì đã xảy ra vào khoảng thời gian 2004 – 2006 đã chứng thực, thị trường vẫn có thể phát triển ngay cả trong một chu kỳ thắt chặt, miễn là các thị trường đã ngầm định giá – đánh giá yếu tố tăng lãi suất vào trong triển vọng đầu tư của họ. Thời điểm đó, cổ phiếu tại các thị trường mới nổi ở châu Á như Ấn Độ và Indonesia vẫn tăng mạnh trong bối cảnh FED tăng lãi suất vào giữa những năm 2000, trong khi các đồng tiền của những nền kinh tế khác như Hàn Quốc và Singapore lại tăng rõ rệt.
Vậy thì có thể kết luận rằng, không những có thể không tàn phá châu Á, mà việc tăng lãi suất của FED có thể nâng cao tinh thần, niềm tin cho giới đầu tư toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng, lấy lại, bù đắp những niềm tin đã mất do kinh tế Trung Quốc đi xuống.
Theo Tuấn Anh
CafeF/Trí Thức Trẻ