Ngân hàng Hang Seng giờ có thể đưa ra lời khuyên cho tập đoàn mẹ đang ốm yếu HSBC Holdings của mình rằng hãy bám trụ thị trường bản địa, gắn chặt với hoạt động ngân hàng thương mại và bán lẻ.

Hang Seng lọt vào top các ngân hàng mạnh nhất thế giới của Bloomberg Market năm thứ hai liên tiếp - bằng tất cả những gì mà HSBC không làm.

Cùng chung nguồn gốc tại Hong Kong, nhưng HSBC đã bắt tay vào việc mở rộng khắp thế giới và trở thành ngân hàng lớn nhất châu Âu. Hiện giờ, HSBC lại vất vả với việc cắt giảm chi phí. HSBC, ngân hàng 150 năm tuổi, đã mua những cổ phần đầu tiên tại Hang Seng năm 1965 và hiện đang nắm 62% cổ phần, tuyên bố cắt giảm 87.000 nhân viên kể từ năm 2011.

Chuyên gia phân tích tại Macquarie Group, Ismael Pili cho rằng, thời của các tập đoàn tài chính toàn cầu đang tới hồi kết. Điều thực sự nên làm là tăng cường sức mạnh tại thị trường trong nước. Hang Seng đang áp dụng chiến lược đó, tạp chí Bloomberg Markets chỉ ra.

Hang Seng đã phủ khắp các ga tàu điện ngầm và trung tâm thương mại bằng màu xanh lá cây của mình. Hơn một nửa dân số từ 18 tuổi trở lên có tài khoản tại 240 chi nhánh, điểm giao dịch tại Hong Kong của Hang Seng. Sự hiện diện đó đã giúp Hang Seng trở thành ngân hàng lớn thứ 2 tại Hong Kong về số chi nhánh và cung cấp cơ sở vững chắc về tiền gửi để từ đó mở rộng sang cho vay doanh nghiệp và quản lý tài sản.

Theo Bloomberg, Hang Seng đang hưởng lợi từ sự giàu có ngày càng tăng tại Hong Kong và Trung Quốc lục địa. Hang Seng là một trong 6 ngân hàng châu Á lọt vào top 20 ngân hàng lớn nhất thế giới của Bloomberg, 5 trong số các ngân hàng châu Á này có mặt trong top 10.

Ngân hàng Norinchukin Nhật Bản giữ vững vị trí thứ hai, sau khi bảo vệ được ngôi vị thứ hai của mình một năm trước. Ngân hàng Oversea Chinese Banking (OCB) của Singapore xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng các ngân hàng có tài sản từ 100 tỷ USD trở lên của Bloomberg. Hai ngân hàng Singapore khác xếp ở vị trí thứ 9 và 10.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, trong năm nay, châu Á sẽ có mức tăng trưởng GDP bình quân 5,6%, gấp 3 lần so với mức 1,8% của Liên minh châu Âu (EU). Và châu Á giàu có sẽ càng giàu hơn.

"Các ngân hàng châu Á nổi bật bởi lượng của cải khổng lồ được tạo ra trong khu vực", Arthur Kwong, người đứng đầu bộ phần chứng khoán tại BNP Paribas Investment Partners tại Hong Kong nhận định. Theo Arthur, rất nhiều ngân hàng đã được cung cấp nguồn vốn dồi dào.

Những ngân hàng lớn nhất châu Á, và các đối tác toàn cầu của họ, cũng đang cải thiện chất lượng nguồn vốn của mình.

Mặc dù các ngân hàng hàng đầu châu Á đang đối mặt với những rủi ro giống nhau. Tăng trưởng tín dụng chậm, cạnh tranh tăng lên, các khoản nợ khó đòi, và thách thức trong việc duy trì vốn chất lượng cao là những vấn đề tiềm tàng, ông Kwong của BNP chỉ ra. Chuyên gia Pili của Macquarie thì giải thích việc đánh giá thấp Hang Seng bởi biên lợi nhuận giảm và thị phần các khoản vay phi tiêu dùng đi xuống.

Với Rose Lee và Hang Seng, những vấn đề trên có thể đồng nghĩa với việc đã đến lúc để mời các khách hàng lớn nhất của mình thêm một vài bát canh rắn bổ dưỡng để tăng sức mạnh.  

Theo Bloomberg, các ngân hàng châu Âu theo sát châu Á với 6 ngân hàng thuộc top 20, chủ yếu nhờ các ngân hàng Bắc Âu. Swedbank và hai ngân hàng Thụy Điển khác có tỷ lệ vốn cao nhất trong bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng còn có sự góp mặt của 3 ngân hàng Mỹ là ngân hàng Capital One Financial ở vị trí số 6, Citigroup ở vị trí 14, Winston-Salem ở vị trí 15. Citigroup, ngân hàng có trụ sở chính tại New York là ngân hàng lớn thứ 20 thế giới về tài sản trong giai đoạn đánh giá xếp hạng, là ngân hàng toàn cầu duy nhất có mặt trong top 20 ngân hàng mạnh nhất của Bloomberg Market. Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ về tài sản, dẫn đầu bởi JPMorgan Chase và Bank of America không tham gia vào danh sách xếp hạng.

Xếp hạng của Bloomberg xem xét sức mạnh vốn theo 5 tiêu chí đánh giá, bao gồm tài sản không sinh lời, dự phòng rủi ro các khoản vay, tiền gửi và hiệu quả. Năm nay, Bloomberg đã lần đầu tiên đưa số liệu tài sản của các ngân hàng vào trong bảng.

Phương Tuyền
Theo Bloombberg