“Lo lắng bao trùm nhưng lượng tiền gửi bị rút đã được ngăn chặn nên không quá mạnh trong bối cảnh khá bất lợi sau khi các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc”, một quan chức ngân hàng giấu tên cho Reuters biết. Theo quan chức này, tính chung cả hệ thống, lượng tiền gửi bị rút ước tính ở vào khoảng 400 triệu USD.
Các cuộc đàm phán kéo dài giữa Athens với các đối tác Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong 5 tháng qua đã gia tăng bất ổn và nỗi lo sợ rằng nước này sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn, qua đó khiến người gửi tiền căng thẳng. Được biết, người gửi tiền Hy Lạp đã rút khoảng 200-250 triệu USD/ngày khỏi các ngân hàng Hy Lạp trong các tuần gần đây.
Trong bối cảnh làn sóng rút tiền vẫn tiếp tục, một quan chức ngân hàng cấp cao của Hy Lạp cho biết sự lựa chọn duy nhất của nước này là ở lại Eurozone như một đối tác bình đẳng thậm chí khi điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận một thỏa thuận đau đớn với các chủ nợ.
Lượng tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp đã liên tục sụt giảm kể từ thời điểm tháng 10/2014, và thanh khoản kiệt quệ đã khiến các ngân hàng Hy Lạp phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) từ ngân hàng trung ương nước này. ELA quy định lượng tiền mà các ngân hàng có thể rút từ Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xem xét hàng tuần hiện đứng ở mức 83 tỷ EUR.
Dựa trên số liệu chính thức mới nhất, bao gồm cả lượng tiền gửi bị rút trong tháng 4, số dư tài khoản của các doanh nghiệp và hộ gia đình đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2004.
Cụ thể, lượng tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp đã bị thất thoát 12.25 tỷ EUR trong tháng 1; 7.57 tỷ EUR trong tháng 2; 1.91 tỷ EUR trong tháng 3 và 4.89 tỷ EUR trong tháng 4. Theo dự kiến, số liệu dòng tiền tháng 5 sẽ được NHTW Hy Lạp công bố vào cuối tháng này.
Theo Phước Phạm
Vietstock