MSCI toàn thế giới ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 4,1% - mạnh nhất kể từ năm 2011.

Tại Mỹ, 3 chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán đều tăng hơn 2%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đồng tăng 2,4%, Dow Jones tăng 2,3%. Có khoảng 10 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ - cao hơn 44% so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng qua.

Đáng chú ý, cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất với 4,9% nhờ giá dầu thô bất ngờ tăng hơn 10%.

Tại các thị trường khác, như Trung Quốc hay châu Âu, chứng khoán cũng dần khởi sắc với chỉ số MCSI thị trường mới nổi tăng 3,3%.

Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán chốt đợt giảm 5 ngày liên tiếp bằng phiên tăng hơn 5% của Shanghai Composite (5,3%) và Shanghai Shenzhen 300 (5,9%). Đây là phiên tăng điểm đầu tiên của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau một loạt nỗ lực ổn định thị trường của chính phủ, như hạ lãi suất, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 3,6% với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,3 tỷ cổ phiếu. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng tăng 1,1%.

Tại châu Âu, chỉ số FTSEuroFirst cũng tăng 3,6% với chỉ số DAX (Đức), CAC 40 (Pháp) và FTSE 100 (Anh) đồng tăng hơn 3%.

Ngày 27/8, những tín hiệu tích cực của kinh tế Mỹ đã xoa dịu phần nào lo ngại của giới đầu tư về tình hình kinh tế và tài chính của Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

Cụ thể theo số liệu điều chỉnh, GDP Mỹ tăng trưởng 3,7% trong quý II/2015, cao hơn mức ước tính ban đầu là 2,3%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 22/8 tiếp tục giảm 6000 đơn.

Với những cải thiện đáng kể như vậy, giới đầu tư tin rằng Fed sẽ vẫn bám theo kế hoạch nâng lãi suất trong cuối năm nay bất chấp những biến động trên thị trường toàn cầu. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters, Bloomberg