Phiên giao dịch hôm nay 23/7, won của Hàn Quốc giảm 1% xuống thấp nhất 3 năm so với USD. Đây là đồng tiền giảm mạnh nhất trong khu vực sau khi Hàn Quốc công bố báo cáo tăng trưởng GDP quý II đạt 2,2%, thấp hơn so với kỳ vọng và đánh dấu quý tăng trưởng chậm lại thứ 5 liên tiếp.
Đồng ringgit của Malaysia giảm 0,4%, baht Thái giảm 0,4% xuống thấp nhất kể từ 2009. Đồng rupiah của Indonesia cũng xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998.
Rupee của Ấn Độ giảm 0,3%, peso Philippines giảm 0,1% trong khi nhân dân tệ và tiền đồng gần như không biến động, lần lượt giao dịch ở 6,2095 nhân dân tệ/USD và 21.817 VND/USD.
Chỉ số tiền tệ châu Á theo dõi 10 đồng tiền chủ chốt trong khu vực giảm 0,2% xuống thấp nhất kể từ 2010.
Hoạt động xuất khẩu của châu Á bắt đầu suy giảm cùng với đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước trong khu vực. Thêm vào đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay làm dấy lên lo ngại dòng tiền sẽ chuyển hướng khỏi châu Á.
Giá hàng hóa giảm cũng ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu như Malaysia, và thực tế, đồng ringgit của Malaysia giảm mạnh nhất châu Á kể từ đầu năm. Chỉ số hàng hóa được Bloomberg theo dõi hiện xuống thấp nhất kể từ 2002 chủ yếu do giá vàng giảm.
Tất cả điều này đều đang tạo sức ép giảm giá đối với các đồng tiền châu Á.
Minh Phương
Theo Bloomberg