Theo kinh tế trưởng của JPMorgan, Zhu Haibin, trong vòng 4 quý trở lại đây, dòng tiền rút khỏi Trung Quốc ước tính 450 tỷ USD.

“Tốc độ và thời gian dòng vốn rút khỏi Trung Quốc chưa từng thấy trước đó”, ông Haibin nhận định.

 


Dòng tiền đổ vào Trung Quốc trong giai đoạn bùng nổ kinh tế và đang có dấu hiệu chuyển hướng đến các thị trường cho lợi nhuận cao hơn. Bốc hơi nguồn vốn có thể trở thành vấn đề lớn đối với Trung Quốc nếu nó làm giảm thanh khoản trong nước, và trong kịch bản xấu nhất khi dòng vốn bốc hơi ồ ạt có thể kéo theo nội tệ mất giá mạnh.

Tuy nhiên, dựa trên phân tích bản chất dòng tiền bốc hơi khỏi Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến dòng tiền rút khỏi nước này không đáng báo động. Điều này bởi lẽ, dòng tiền bốc hơi có thể do cách điều phối bảng cân đối kế toán của khu vực doanh nghiệp. Nhận thức được rằng, nhân dân tệ sẽ không giữ nguyên xu hướng tăng so với USD, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách trả nợ nước ngoài càng sớm càng tốt.

Theo chuyên gia kinh tế Wang Tao của UBS, vài năm trước quý II/2014, nhân dân tệ tăng mạnh so với USD, chênh lệch lãi suất cho vay trong nước và ngoài nước khá lớn do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ nước ngoài với tốc độ kỷ lục. Các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của những doanh nghiệp này lên tới 440 tỷ USD từ cuối 2012 đến quý I/2014, theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS).

Tuy nhiên, kể từ quý II/2014, sau động thái của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thị trường cho rằng, nhân dân tệ sẽ bước vào đà giảm giá. Kinh tế Trung Quốc suy yếu, USD mạnh lên cùng với kế hoạch tăng lãi suất của Mỹ càng củng cố đồn đoán nhân dân tệ mất giá. Điều này thôi thúc doanh nghiệp Trung Quốc thanh toán nợ nước ngoài trước khi nhân dân tệ mất giá quá mức.

Minh Phương
Theo Bloomberg