Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn hôm 3/6 trên một chương trình truyền thanh cho biết Trung Quốc đã ngỏ ý muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuyên bố này được đưa ra khi ông Obama đang tìm cách thuyết phục các nghị sĩ Đảng Dân chủ thông qua Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) tại Hạ viện.

Tổng thống Obama cho biết Trung Quốc đã “dò hỏi” về khả năng gia nhập Hiệp định TPP mà Mỹ đang đàm phán với 11 quốc gia khác. Hiệp định thương mại chiếm 36% GDP toàn cầu này hiện chưa có sự tham gia của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo ông Obama, kể cả khi Trung Quốc không tham gia TPP, hiệp định này cũng sẽ tạo áp lực để nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thay đổi các chính sách của nước này, qua đó gia tăng lợi ích cho Mỹ. Cuộc phỏng vấn trên chương trình phát thanh Mỹ cũng như tại các đài truyền hình địa phương của Tổng thống Obama là một phần của chiến dịch nhằm thuyết phục các nghị sĩ thông qua TPA.

Ông Obama nói rằng chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu đưa ra các thăm dò về khả năng tham gia TPP nhưng không cho biết liệu Mỹ có khuyến khích sự gia nhập của nước này hay không. Theo ông, nếu 11 nền kinh tế hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương đồng ý thực hiện các tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, không phân biệt đối sử với công ty nước ngoài và giảm thuế, Trung Quốc tối thiểu sẽ phải đưa những quy định quốc tế này vào cấu trúc kinh tế của họ.

Thông điệp đến người dân Mỹ

Cuộc phỏng vấn với Tổng thống Obama được dự kiến phát sóng tại hơn 700 thành phố Mỹ. Đồng thời, ông cũng đã lên kế hoạch có các cuộc trả lời với hàng loạt đài truyền hình địa phương như Dallas, El Paso, San Diego, Seattle và Sacramento.

Hiện Nhà Trắng đang có chiến lược thúc đẩy để TPP được thông qua bởi các cử tri địa phương, nhằm vận động ủng hộ nghị viện Mỹ thông qua TPA. Tổng thống Obama cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp với các cử tri nhằm đảm bảo sự ủng hộ đối với ông trước những nghị sĩ phản đối TPP của Đảng Dân chủ.

Điều này thực sự cần thiết khi một số nghị sĩ Đảng Dân chủ, như ông Beto O'Rourke đại diện cho El Paso, đã từ chối cho biết sẽ bỏ phiếu như thế nào về TPA tại Hạ viện.

Những chuyên gia tư vấn của tổng thống hiểu rằng TPA hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tăng tại Hạ viện sau khi dự luật này được thông qua một cách khó khăn tại Thượng viện.

Những lá phiếu của Đảng Dân chủ

Nghị sĩ Xavier Becerra của bang California cho biết hầu hết các nhà chính trị Đảng Dân chủ phản đối chương trình thương mại của Tổng thống Obama. Nhiều khả năng, ông Obama sẽ thuyết phục thêm các thành viên của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho TPA hơn là cố gắng thay đổi quan điểm của Đảng Dân chủ.

Hiện nay, Đảng Dân chủ ngày càng phải chịu áp lực lớn từ Công đoàn, vốn thường bỏ phiếu cho đảng này. Những nhà lãnh đạo Công đoàn của Mỹ lập luận rằng hiệp định TPP sẽ khiến nhiều việc làm tại nước này bị chuyển ra nước ngoài.

Đại diện Công đoàn Bill Samuel nhận định hiệp định thương mại của ông Obama thiếu khoảng 20-30 phiếu thuận tại Hạ viện, với khoảng 90% các nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối.

Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa cho biết họ có kế hoạch thúc đẩy bỏ phiếu thông qua TPA trong tháng này. Những nghị sĩ ủng hộ TPP kỳ vọng rằng họ có thể giành đủ số phiếu của 433 thành viên Hạ viện để có thể thông qua TPA.

Tổng thống Obama đã nói với Đảng Dân chủ rằng ông sẽ “ủng hộ họ” nếu đảng này ủng hộ cho hiệp định TPP. Có nhiều số liệu cho thấy ông Obama có ảnh hưởng đến nhiều cử tri Đảng Dân chủ trên toàn nước Mỹ. Với sự hỗ trợ của những nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Obama, Đảng Dân chủ sẽ có lợi trong chiến dịch bầu cử vào nghị viện.

Dự luật TPA sẽ khiến Nghị viện Mỹ chỉ được phép bỏ phiếu thông qua hiệp định TPP khi tổng thống đệ trình mà không có quyền thay đổi các điều khoản trong đó. Tổng thống Obama đã từng nói rằng ông cần TPA để có thể kết thúc đàm phán TPP với các quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.

Nguồn: NDH