Chính phủ Ukraine đã kéo dài thời hạn đàm phán với các chủ nợ trong bối cảnh nước này được dự đoán sẽ vỡ nợ nếu không đạt được một thỏa thuận trước ngày 24/7.
Theo hãng tin CNBC, chính quyền Kiev muốn tránh lâm vào trường hợp tương tự như Hy Lạp nên đã kêu gọi các bên đàm phán cùng nhượng bộ sau khi đã có những quan điểm cứng rắn trong 3 tháng qua.

Tuần trước, một cuộc họp tại Washington về việc tái cơ cấu khoản nợ 70 tỷ USD đã thất bại. Hãng CNBC nhận định sự khác biệt quan điểm giữa các chủ nợ và chính quyền Ukraine là không dễ thu hẹp.

Cuộc khủng hoảng bán đảo Crimea với Nga và xung đột quân sự tại miền Đông đã khiến kinh tế Ukraine bị tổn hại. Tổng nợ của nước này dự đoán sẽ tăng lên mức 100% GDP trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo Kiev muốn chủ nợ giảm khoảng 40% số nợ trái phiếu với tổng giá trị 15 tỷ USD nhằm đảm bảo duy trì khả năng thanh toán của Ukraine.

Tuy nhiên, nhóm 4 chủ nợ chính nắm giữ 9 tỷ USD trái phiếu không đồng ý biện pháp trên và đưa ra đề nghị gia tăng thời hạn trái phiếu nhưng giảm lãi suất phải trả.

Tính đến thời điểm hiện nay, Ukraine đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ trả nợ của mình, bao gồm khoản lãi đáo hạn 75 triệu USD cho Nga, và chưa bị mất khả năng thanh toán như Hy Lạp. Chính quyền Kiev cũng đã thành công đàm phán gia hạn thời gian trả nợ cũng như hoán đổi bằng các công cụ thanh toán khác đối với các khoản tín dụng trước đây.

Tuy nhiên, Goldman Sachs cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của nước này trong tháng 7/2015 khi khoản vay trái phiếu 120 triệu USD đáo hạn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố rằng sẽ tạm ngừng viện trợ cho Ukraine nếu nước này không đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Hiện chính quyền Kiev đang chờ đợi IMF xem xét đánh giá lại tình hình Ukraine trước khi đưa ra quyết định tiếp theo về vấn đề cứu trợ cho nước này.

Chính phủ mới của Ukraine đã nhận được cứu trợ từ IMF năm 2014 khi cam kết sẽ chấm dứt xung đột tại miền Đông nước này.

Một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được đầu năm 2015, nhưng mới đây tình hình chiến sự lại leo thang ở những khu vực ly khai miền Đông. Bên cạnh đó, xung đột quan điểm giữa các phe phái chính trị tại Ukraine càng làm tình hình phức tạp thêm khi nhiều nhóm cực hữu, có quan điểm dân tộc cực đoan, có biểu hiện chống chính quyền Kiev.
Theo Hoàng Nam
NDH

Nguồn: NDH