Suốt cả đêm qua (7-8) tôi không thể ngủ được bởi những tiếng gió giật gầm rít bên ngoài cửa sổ tòa nhà khách sạn 45 tầng ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Nhiều lúc, có thể cảm nhận tòa nhà này rung lắc rõ rệt.

Rạng sáng nay 8-8, siêu bão Soudelor với sức gió mạnh lên tới 209 km/g đã đổ bộ vào bờ biển phía đông Đài Loan và nhanh chóng tràn vào các khu vực khác.

Có mặt tại thành phố Cao Hùng, lần đầu tiên tôi chứng kiến một cơn bão khủng khiếp như vậy.

Những cơn mưa lớn như trút nước kèm theo gió giật diễn ra liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ từ khoảng 6h sáng, đến tận 12 giờ trưa (8-7). Trong suốt thời gian đó, sự cuồng nộ của cơn bão dường như không hề suy giảm. Mưa to và gió lớn không ngừng nghỉ trong hơn 5 tiếng đồng hồ.

9h sáng, tại phòng ăn của khách sạn Grand Hi-Lai lớn nhất ở Cao Hùng, mọi người đều cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh của tòa nhà cao 45 tầng, giống như động đất. Những chiếc đèn chùm trên trần chao đảo.

Cảm giác nôn nao, chóng mặt ập đến. Tôi bỏ ăn chạy về phòng nằm. Suốt cả đêm hôm trước, tôi không tài nào ngủ được bởi tiếng gió rít gầm gào bên ngoài cửa sổ.

Phải đến 6h sáng trời mới bắt đầu mưa ở Cao Hùng, nhưng từ nửa đêm, gió mạnh bắt đầu nổi lên. Trong phòng khách sạn bỗng xuất hiện những tiếng kêu kẽo kẹt, lúc đầu nhỏ như tiếng mọt ăn gỗ, càng ngày càng to dần, cảm giác như đang ở trong một căn nhà gỗ bị rung lắc trước gió.

Lúc đầu, tôi nghĩ có ai đó làm gì ở phòng bên cạnh khiến âm thanh phát ra kẽo kẹt. Nhưng nó cứ kêu như vậy cả tiếng đồng hồ. Tôi buộc phải gọi lễ tân lúc 2h giờ sáng. Nhân viên khách sạn cho biết, đó là ảnh hưởng của hệ thống cân bằng trong tòa nhà cao tầng, trước sức gió do cơn bão.

Tôi thử chạy ra hành lang, hóa ra cả tầng 33 nơi tôi ở đều kêu kẽo kẹt như vậy. Và suốt từ nửa đêm trước tới trưa hôm sau, tòa nhà không lúc nào ngừng kêu. Mặc dù ở trong một tòa nhà cao 45 tầng, đồ sộ, nhưng nhìn mưa bão từ trên cao, cộng với tiếng kẽo kẹt liên hồi, tôi cảm thấy đôi chút bất an.

Để lấy tư liệu cho bản tin, tôi chạy xuống sảnh tầng 1, ra cổng khách sạn chụp ảnh. Vừa giơ smartphone lên, gió thốc từ ngoài vào khiến cả người và máy ướt hết. Chiếc điện thoại suýt bị gió thổi tung khỏi tay.

Anh lễ tân nhìn tôi mỉm cười. Người Đài Loan chắc cũng đã quen với những cơn bão.

Ông Sunny Yang, Giám đốc Công ty cơ khí Tongtai cho biết, Đài Loan không thể sống thiếu bão, bởi đó là một nguồn cung cấp nước cho hòn đảo này.

Tuy nhiên, ông không giấu được vẻ lo lắng khi siêu bão Soudelor sắp đổ bộ. Yang vẫn còn chưa quên sự tàn sát kinh hoàng của cơn bão Morakot năm 2009. Trận lở đất sau cơn bão này đã tàn phá nhà xưởng của công ty, làm nhiều công nhân thiệt mạng.

Báo chí Đài Loan cho biết, bão Morakot năm 2009 đã làm gần 700 người chết, gây thiệt hại tổng cộng 3,3 tỉ đô la Mỹ. Cơn bão Soudelor lần này dự kiến cũng mạnh không kém gì bão Morakot.

Người Đài Loan đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho bão Soudelor. Từ chiều qua (7-8), ông Yang đã cho công nhân của mình về sớm. Tại một số nơi như Hoa Liên và Yilan các công sở và trường học đã đóng cửa hôm thứ Sáu.

Ngay từ thứ 3, khi chúng tôi tới Đài Bắc, khách sạn đã chu đáo để bản thông tin cảnh báo bão trên bàn để du khách biết. Các thông tin về bão liên tục được cập nhật trên báo chí, truyền hình hàng ngày. Quân đội và cảnh sát đã được điều đến nhiều nơi giúp người dân sơ tán.

Trang web focustaiwan đưa tin, thống kê sơ bộ đến trưa 8-7, đã có 4 người chết vì những vụ việc liên quan đến bão trên toàn vùng lãnh thổ Đài Loan. Mưa gió làm đổ cây và hư hại đường dây khiến 1,87 triệu hộ dân bị mất điện

12h trưa, bão đã có dấu hiệu suy giảm ở Cao Hùng. Cơ quan dự báo thời tiết khuyến cáo, những diễn biến sau cơn bão Soudelor vẫn hết sức khó lường.

Khách sạn Grand Hi-Lai nơi tôi ở đã thông báo sẽ gia hạn giờ trả phòng cho khách.

Ngoài cửa sổ mưa lớn vẫn còn và gió vẫn giật từng cơn, nhưng không liên tục như trước. Những tiếng kẽo kẹt vấn chưa chấm dứt.

Theo Chiến Thắng
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG