Tháng trước, tỷ phú giàu nhất Australia Gina Rinehart đã cho các nhân công ở miền Tây Australia một cú sốc lớn khi tuyên bố có thể giảm 10% lương lao động hoặc công ty của bà đối mặt với tình trạng dư thừa nhân lực.

Tài sản của tỷ phú Rinehart cũng bốc hơi 11 tỷ USD theo đà giảm của giá hàng hóa từ năm ngoái. Thực tế này bộc lộ vấn đề kinh tế lớn hơn mà Australia đang phải đối mặt.

Theo Telegraph, giá quặng, than đá và vàng giảm đồng nghĩa thâm hụt thương mại của Australia sẽ tăng lên mức nguy hiểm. Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP của Australia hiện khoảng 60% (khoảng 955 tỷ USD) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước phương Tây phát triển như Mỹ và Anh.

 
Vấn đề thực sự của Australia chính là sự đi xuống của giá hàng hóa trong dài hạn. Một vấn đề lớn khác đó là sự phụ thuộc quá lớn của Australia vào Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Mặc dù kinh tế Trung Quốc được dự báo vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% năm nay nhưng vẫn là chưa đủ để ngăn đà lao dốc của giá hàng hóa.

Cũng giống như Ả rập Xê út phải dùng đến dự trữ ngoại hối để đối phó với tình trạng giá dầu giảm, Australia cũng đang phải chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm. Theo số liệu mới cập nhật, thâm hụt thương mại tháng 4 của Australia lên kỷ lục gần 4,2 tỷ USD. Con số này được dự báo tiếp tục tăng do giá trị nhập khẩu lên kỷ lục nhiều năm.

Giá quặng sắt hiện khoảng 50 USD/tấn, so với đỉnh điểm 180 USD/tấn năm 2011. Giá than nhiệt cũng giảm còn 60 USD/tấn, so với 150 USD/tấn cách đây 4 năm.

Với một nền kinh tế mà 65% kim ngạch thương mại đến từ khoáng sản như vậy, việc giá hàng hóa giảm sẽ buộc Australia phải trả giá đắt, hoặc thậm chí có thể trở thành “Hy Lạp thứ hai” phiên bản châu Á và Trung Quốc sẽ trở thành bên cho vay cuối cùng, thay vì Liên minh châu Âu (EU).

Minh Phương 
Theo Telegraph, Australia Finance Review