Lúc 10h43' sáng nay 3/8, theo giờ Athens,chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán Hy Lạp giảm 23%, mức giảm mạnh nhất nhiều thập kỷ qua. Trong đó, cổ phiếu của 2 ngân hàng lớn nhất Hy Lạp đồng loạt giảm 30%.
Thị trường Athens phải đóng cửa từ hôm 29/6 cùng lúc chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras ra lệnh đóng cửa các ngân hàng, kiểm soát các luồng tư bản trên thị trường nội địa.
Trong thời gian qua Hy Lạp và các chủ nợ đã tìm ra đồng thuận về chương trình cải tổ của Athens. Nội các của Thủ tướng Tsipras cùng với Bruxelles và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đồng ý đàm phán về một gói hỗ trợ tài chính thứ ba cho Hy Lạp, trị giá hơn 80 tỷ euro.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thỏa thuận ban đầu, cần có thời gian để được thực hiện. Tình hình chính trị nội bộ của Hy Lạp đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Thủ tướng Alexis Tsipras không loại trừ khả năng tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Một yếu tố khác gây lo ngại cho các nhà đầu tư là cuộc đọ sức kéo dài trong 5 tháng vừa qua giữa Athens với các chủ nợ làm tiêu tan những thành quả kinh tế nhỏ nhoi vừa nhem nhúm của Hy Lạp.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Châu Âu dự phóng kinh tế Hy Lạp lại rơi vào vòng suy thoái trong tài khóa 2015. Một lo ngại thứ ba là Hy Lạp tiếp tục bị chảy máu tư bản khi các nhà đầu tư không tin tưởng vào đà phục hồi của quốc gia này. Trong bối cảnh đó sự tồn tại của các ngân hàng Hy Lạp bị đe dọa.
Theo tờ Avgi (Hy Lạp) số ra mới đây, nước này có thể cần khoản vay đầu tiên trên 24 tỷ euro của gói cứu trợ mới trong tháng Tám để cấp vốn cho các ngân hàng và trả nợ cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trong đó, 10 tỷ euro sẽ được dùng để tái cấp vốn bước đầu cho các ngân hàng Hy Lạp, 7,16 tỷ euro để trả khoản cho vay bắc cầu khẩn cấp, 3,2 tỷ euro để thanh toán trái phiếu mà ECB đang nắm giữ và các khoản thanh toán khác.
Minh Phương