Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của các thị trường mới nổi ước tính giảm 222 tỷ USD xuống 7,5 nghìn tỷ USD trong quý I, tương ứng giảm 3%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009. Hiện tổng dự trữ ngoại hối các thị trường mới nổi tương ứng 11 tháng nhập khẩu, cao hơn so với mức tối thiểu mà IMF đưa ra là 6 tháng nhập khẩu.
Mặc dù giảm nhưng dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế này vẫn dao động quanh mức kỷ lục khiến giới quan sát vẫn cho rằng nhìn chung các thị trường này vẫn đủ khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Tuy vậy, đây vẫn là mối đe dọa ngày càng tăng đối với một số nước mà tăng trưởng kinh tế chậm lại, dự trữ ngoại hối giảm, nội tệ mất giá. Điều này càng đáng lo ngại khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nâng lãi suất vào cuối năm nay khiến dòng tiền chuyển hướng từ thị trường mới nổi sang Mỹ.
Nhóm thị trường mới nổi bị cho là dễ bị ảnh hưởng nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Malaysia, Indonesia. Dự trữ ngoại hối của các thị trường này giảm xuống thấp hơn nhu cầu tài trợ thương mại trong ngắn hạn.
Đầu tháng này, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ xuống thấp kỷ lục so với USD, ringgit của Malaysia, rand của Nam Phi và rupiah của Indonesia xuống thấp nhất nhiều năm qua so với USD.
“Chúng tôi lo ngại Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ các động thái chính sách để giảm tình trạng mất cân bằng kinh tế đối ngoại”, trưởng bộ phận danh mục đầu tư tại quỹ trái phiếu và tiền tệ thị trường mới nổi T. Rowe Price nhận định.
Lo ngại này thể hiện rõ ở dòng tiền đầu tư. Kể từ đầu năm, nhà đầu tư đã rút ròng gần 24 tỷ USD khỏi chứng khoán thị trường mới nổi, trong khi gần 200 triệu USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu thị trường mới nổi.
Giá hàng hóa giảm, USD tăng giá cũng khiến giá trị kho dự trữ ngoại hối của các thị trường này giảm do dự trữ các đồng tiền khác như euro, yên và một số loại tiền tệ khác.
Riêng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 113 tỷ USD xuống 3,7 nghìn tỷ USD do thặng dư thương mại giảm và tình trạng bốc hơi nguồn vốn tăng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng bán USD để tăng giá nhân dân tệ.
Dự trữ ngoại hối thị trường mối nổi giảm Không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự thống trị trở lại của USD mà còn là điềm báo cho các thị trường toàn cầu. Khối thị trường mới nổi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm cách tăng nguồn cung vốn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Minh Phương
Theo WSJ