Cụ thể trong buổi họp báo chiều ngày 16/7, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố
tăng mức hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 900 triệu euro (989 triệu USD). Khoản tiền này được cho là sẽ đáp ứng được nhu cầu của các ngân hàng Hy Lạp trong 1 tuần tới.
Tuy nhiên, ông Draghi cho biết vẫn chưa thể khẳng định rằng, khoản tiền này sẽ giúp các ngân hàng Hy Lạp tái hoạt động ngay trong tuần tới.
Trước đó ngày 29/6, ECB từng từ chối nâng mức hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, khiến chính phủ Athens phải đóng cửa các ngân hàng và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn.
"Phao cứu sinh" này của ECB được đưa ra sau khi
các bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro đồng ý mở đàm phán gói cứu trợ 86 tỷ euro cho Hy Lạp.
Đây được xem là 2 bước ngoặt lớn đối với cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp và cũng là kết quả tất yếu sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua dự luật về các biện pháp kinh tế khắc khổ theo yêu cầu của giới chủ nợ trong cùng ngày.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất 28 nước thành viên sẽ hỗ trợ khẩn cấp khoản vay ngắn hạn 7 tỷ euro cho Hy Lạp. Với số tiền này, chính phủ Athens có thể hoàn trả khoản nợ khoảng 2 tỷ euro với IMF và 4,25 tỷ euro với ECB trong ngày 20/7 tới. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản đối gay gắt từ những quốc gia không sử dụng đồng euro, như Anh.
Ngoài ra trong cuộc họp chính sách tháng 7 cùng ngày,
Hội đồng hoạch định chính sách ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn tại khu vực đồng euro là 0,05%, lãi suất tiền gửi là âm 0,2% và lãi suất cho vay thanh khoản (margin) là 0,3%.
Đồng thời,
ECB tiếp tục triển khai chương trình mua tài sản như đã cam kết hồi tháng 3. Tính đến ngày 13/7, ECB đã mua 63,2 tỷ euro trái phiếu chính phủ và tư nhân.
Ông Draghi cho biết, những tiến triển gần đây của kinh tế khu vực khẳng định sự cần thiết của việc duy trì một chính sách tiền tệ ổn định cũng như thực hiện nghiêm túc các quyết định của Hội đồng hoạch định chính sách.
Chủ tịch ECB khẳng định,
rủi ro từ kịch bản Grexit - Hy Lạp rời Eurozone - vẫn không làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế khu vực. Những rủi ro về kinh tế cũng đã được giảm thiểu nhờ chính sách tiền tệ của ECB. Tới đây, ECB vẫn tập trung vào việc thúc đẩy lạm phát và cải thiện triển vọng ổn định giá cả trong trung hạn.
Chứng khoán châu Âu tăng điểm mạnh ngay sau thông báo của ECB với chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1,5%.
Nguyễn Dung
Theo FT, Bloomberg, New York Times