Theo báo cáo của ngân hàng HSBC và Markit Economics, chỉ số PMI tháng 5/2015 của Trung Quốc đứng ở mức 49,2 điểm, tăng nhẹ so với mức 48,9 điểm của tháng 4/2015.
Báo cáo cho thấy tăng trưởng của các nhà máy vừa và nhỏ đã chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp do số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm, qua đó làm giảm các hoạt động mua bán trong ngành sản xuất và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tháng thứ 19 liên tiếp.
HSBC dự đoán chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách kích thích kinh tế mạnh tay hơn nữa, như việc sẽ hạ 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự bắt buộc trong những tuần tới.
Những số liệu gần đây cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây. Để đối phó với tình hình trên, chính phủ nước này đã nới lỏng một số quy định tài chính cho các chính quyền địa phương, hạ lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại.
Một cuộc khảo sát vừa công bố cũng cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong gần 5 năm qua.
Những báo cáo này củng cố quan điểm của nhiều chuyên gia rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế trong thời gian tới, bất chấp việc đã hạ lãi suất 3 lần trong 6 tháng qua.
Ngân hàng ANZ nhận định rằng cường quốc Châu Á này vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu dòng vốn tiếp tục rút khỏi thị trường với tốc độ như quý I/2015, ANZ dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 100 điểm cơ bản và hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối khi thị trường bất động sản “hạ nhiệt” và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Đầu tư trong nước và thị trường tiêu dùng quý I/2015 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Ngoài ra, bong bóng thị trường chứng khoán nước này ngày càng phình to trong 18 tháng qua, làm gia tăng lo ngại việc nới lỏng các chính sách tín dụng là nguyên nhân chính thúc đẩy giá cổ phiếu cũng như tình trạng đầu cơ. Nhiều chuyên gia quan ngại rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ rút bớt tài chính từ hoạt động kinh tế thực sự và làm phức tạp thêm cho những nhà hoạch định chính sách.