Bloomberg đưa tin, sáng nay, các ngân hàng của Hy Lạp vẫn đóng cửa và tình trạng này có thể kéo dài hết tuần này. Sau khi đàm phán giữa Hy Lạp với chủ nợ quốc tế thất bai, Ngân hàng trung ương châu Âu đã ngừng cấp tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng của nước này, khiến Athens không còn lựa chọn nào khác ngoài đóng cửa hệ thống ngân hàng để tránh nguy cơ sụp đổ.
Từ cuối tuần trước, các cây ATM ở Hy Lạp trong tình trạng cạn kiệt tiền mặt khi hàng nghìn người xếp hàng để rút tiền khỏi hệ thống. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Hy Lạp đã chính thức ban hành chính sách kiểm soát nguồn vốn. Theo đó, lượng tiền mặt rút ra tối đa một ngày giới hạn ở mức 60 euro/tài khoản. Chính sách kiểm soát nguồn vốn này có thể kéo dìa vài tháng.
Như vây, Hy Lạp là quốc gia thứ 2 trong Eurozone, sau Cộng hòa Síp phải áp dụng kiểm soát dòng vốn để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính.
Đàm phán với chủ nợ thất bại khiến Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ 1,6 tỷ euro phải thanh toán cho IMF vào ngày mai 30/6. Ngoài ra, Athens cũng phải trả hàng tỷ euro cho Ngân hàng trung ương châu Âu trong vài tháng tới. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại Hy Lạp sẽ rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Thủ tướng Đức Angela Merkel và giới chức châu Âu, IMF nhanh chóng đưa ra kế hoạch để duy trì Eurozone, giữ Hy Lạp ở lại khối. Về phần mình, IMF tuyên bố sẽ không cấp thêm ngân sách cho Hy Lạp nếu chính phủ nước này không thanh toán khoản nợ 1,6 tỷ euro đúng hạn.
Những tin tức từ Hy Lạp cũng khiến thị trường tài chính biến động mạnh khi nhà đầu tư tìm đến những tài sản đầu tư an toàn như trái phiếu Mỹ. Trong khi đó, euro giảm mạnh so với USD xuống thấp nhất 1 tháng.
Minh Phương
Theo Bloomberg, Reuters