Theo thỏa thuận đạt được với chủ nợ quốc tế hôm qua 13/7, Hy Lạp sẽ phải bán tài sản để đóng góp 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho quỹ cứu trợ cùng với các chủ nợ quốc tế. 50 tỷ euro tương đương hơn 1/5 GDP của Hy Lạp. Quỹ này được gọi là Tổ chức Tăng trưởng, được điều hành bởi ngân hàng KfW, một ngân hàng phát triển của chính phủ nước Đức đóng trụ sở tại Frankfurt.
Tuy nhiên, kế hoạch này được cho là không khả thi bởi trước đó, dù đã bán cả sân bay, cảng biển và bất động sản hạng sang, chính phủ Hy Lạp mới thu về 3,5 tỷ euro. Số tiền này sau đó đã được dốc cho các ngân hàng vốn ngấp ngoải của Hy Lạp. Ngân hàng Hy Lạp cần tiền để tạo đệm vốn, nếu không được bơm thanh khoản, những ngân hàng này thậm chí không thể hoạt động.
“Mục tiêu 50 tỷ euro là mục tiêu rất không khả thi. Giá tài sản ở Hy Lạp vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, và chúng tôi cho rằng chúng chưa thể hồi phục sớm”, Diego Iscaro, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu IHS nhận định.
Hiện những tài sản có giá trị mà chính phủ Hy Lạp có thể rao bán đó là cổ phần trong sân bay Athens, công ty hóa dầu và điện quốc gia, và cổ phần trị giá 7,5 tỷ euro trong một số ngân hàng.
Song nhà đầu tư sẽ rất thận trọng khi vẫn còn hoài nghi về cam kết cải cách kinh tế của Hy Lạp.
Minh Phương
Theo CNN