Trong một biên bản ghi nhớ gửi cho giới chức châu Âu cuối tuần qua, IMF cho rằng, những bất ổn kinh tế vừa qua có thể khiến nợ công của Hy Lạp sát ngưỡng 200% GDP trong vòng 2 năm tới, so với mức 127% ở giai đoạn đầu khủng hoảng.
Do đó, IMF cho rằng chỉ có biện pháp xóa một phần nợ mới có thể khiến nợ công Hy Lạp giảm, cho phép Hy Lạp quay trở lại thị trường tài chính.
Hồi đầu tuần này, IMF một lần nữa khẳng định sẽ không giải ngân 16,4 tỷ euro nếu chủ nợ quốc tế không nhất trí về kế hoạch xóa một phần nợ cho Hy Lạp.
Chương tringh giải cứu Hy Lạp của IMF sẽ hết hạn vào tháng 3/2016. Theo quy định, định chế này không thể tham gia gói giải cứu nếu nợ của quốc gia đó được cho là không ổn định và không có triển vọng quay trở lại thị trường trái phiếu. Và hiện giờ IMF phát đi tín hiệu rằng, nếu Đức vẫn muốn IMF tham gia giải cứu Hy Lạp, Đức phải chấp nhận giải pháp xóa nợ.
Nếu IMF rút khỏi chương trình cứu trợ có thể kéo theo các vấn đề tài chính cũng như chính trị lớn cho Đức và các chủ nợ châu Âu khác.
Động thái của IMF được cho là nhằm gây sức ép đối với Đức – chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp và phản đối kịch liệt kế hoạch xóa nợ.
Minh Phương
Theo FT