Giá tiền ảo Bitcoin có lúc tăng tới 7% trong phiên giao dịch ngày 16/6, lập chuỗi phiên tăng giá dài nhất trong 18 tháng. Khả năng Hy Lạp phá sản và phải rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone đang thúc đẩy người dân nước này mua tiền ảo để phòng ngừa rủi ro.
Hãng tin Reuters cho biết, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 16/6 đã lớn tiếng với các chủ nợ của Athens, bất chấp một loạt cảnh báo nói rằng châu Âu đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone.
Quốc gia nặng nợ này phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khoản nợ 1,8 tỷ USD trước hạn chót là cuối tháng 6. Trong khi đó, đến hôm qua, Athens vẫn chưa đạt thỏa thuận với các chủ nợ để giải ngân tiền cứu trợ. Nếu từ nay đến hết tháng Hy Lạp không được các nhà tài trợ cấp vốn mới, thì nước này sẽ không trả được nợ cho IMF, đồng nghĩa với việc phá sản.
Trong bối cảnh này, đồng Bitcoin tăng giá mạnh. Giá Bitcoin trên sàn giao dịch Bitstamp lên tới hơn 252 USD/Bitcoin, cao nhất trong 2 tháng, trước khi giảm về mức 245 USD/Bitcoin. Đây là phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp của Bitcoin, chuỗi phiên tăng giá dài nhất của đồng tiền ảo từ tháng 1/2014.
Tiền ảo Bitcoin được tạo ra 6 năm trước, không có sự hậu thuẫn hay kiểm soát của bất kỳ ngân hàng trung ương hay chính phủ nào. Đồng tiền ảo này có mức giá thả nổi hoàn toàn, biến động tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư.
Tháng 3-4/2013, giá tiền ảo Bitcoin tăng vọt 700% chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau khi đảo quốc Cyprus đóng băng tài khoản tiền gửi của người dân tại các ngân hàng do khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng ở Cyprus khiến giới đầu tư mất niềm tin sâu sắc vào tiền giấy và chuyển sang mua tiền ảo. Cuối năm 2013, giá Bitcoin đã vượt ngưỡng 1.000 USD/Bitcoin.
Sau một thời gian biến động mạnh, giá Bitcoin đã ổn định trong khoảng 6 tháng trở lại đây. Ngày càng có nhiều tổ chức tài chính lớn xem Bitcoin có tiềm năng là một tài sản có giá trị.
Ông Joshua Scigala, nhà đồng sáng lập Vaultoro.com - công ty chuyên giữ Bitcon cho khách hàng và cho khách đổi Bitcoin lấy vàng và ngược lại - nói rằng người Hy Lạp đang mạnh tay mua Bitcoin vì mất dần niềm tin vào Chính phủ. Ngoài ra, còn chưa rõ loại tiền nào sẽ được sử dụng nếu Hy Lạp thực sự phải ra khỏi Eurozone.
“Một số người Hy Lạp không muốn đợi Chính phủ vạch ra kế hoạch rút khỏi Eurozone. Họ đang tự mình lo liệu trước”, ông Scigala nói.
Theo ông Scigala, trong 2 tháng qua, khi cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và chủ nợ rơi vào bế tắc, thì lượng Bitcoin gửi vào Vaultoro.com từ các địa chỉ IP ở Hy Lạp đã tăng 124%.
Theo An Huy
VnEconomy