Một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là liên kết với các nước châu Á khác đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của Trung Quốc. Chính phủ của ông Abe mở rộng viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở châu Á.
Trong một số trường hợp, Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua các liên doanh tài trợ và cho vay; một số trường hợp khác nhận được tiền cho vay trực tiếp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiện đang giữ 116 tỷ USD với 67 nước thành viên.
Nhật Bản và ADB đã tài trợ cho các dự án từ năm 1966, nhưng tốc độ tài trợ đã tăng lên nhanh chóng trong các năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nhật Bản cần lấy lại vị thế của mình trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Ngày 4/7, tại một hội nghị thượng đỉnh của 5 quốc gia sông Mekong, ông Abe cam kết khoản viện trợ 61,1 tỷ USD như một phần của kế hoạch tăng thêm 25% vốn của Nhật Bản và ADB cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á.
Tại khu vực này, ADB cho vay hơn 10 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 17% so với năm 2013. ADB cho biết "đây chỉ là sự bắt đầu của một chính sách mới" vì ngân hàng này đã công bố kế hoạch tăng 50% ngân sách hằng năm.
"Tôi muốn ADB mạnh hơn, tốt hơn và nhanh hơn", Chủ tịch Ngân hàng ADB Takehiko Nakao cho biết. Chính phủ Nhật Bản sắp sửa loan báo đầu tư 100 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước châu Á trong 5 năm tới.
Các dự án Nhật Bản và ADB đã đồng ý tài trợ gồm cảng và khu công nghiệp ở Đông Nam Myanmar, đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam, cầu bắc qua sông Mekong ở Campuchia, đường tàu điện ngầm ở Jakarta, tuyến đường sắt ở Thái Lan, hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai và đường bộ cho bang Madhya Pradesh ở Ấn Độ.
Trung Quốc đã không có một ngân hàng phát triển riêng cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB), trong đó có 100 tỷ USD vốn và 57 thành viên.
Mỹ và Nhật Bản đã từ chối tham gia ngân hàng này và vận động nhiều nước liên minh tẩy chay AIIB. Đối với Nhật Bản, sự nổi lên của các AIIB đồng nghĩa với "sự tranh giành ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc có khả năng tăng tốc", Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy Chính sách Quốc tế ở Sydney, nhận định.
>> Các đồng minh của Mỹ "rủ" nhau gia nhập Ngân hàng Trung Quốc
"Nhật Bản sẽ mất đà và sức mạnh của ADB sẽ suy yếu dần", Hồng Hảo, Giám đốc Chiến lược tại Ngân hàng Đầu tư Bocom International Holdings, nhận định. Bởi vì kinh tế Nhật Bản vẫn khó khăn, lực lượng lao động già nua và chính phủ ngập trong nợ nần.
Toshiyuki Doi, một cố vấn cao cấp tại Bangkok với Mekong Watch, cho rằng: "Nhật Bản không thể theo kịp Trung Quốc". Kraisin Vongsurakrai, Giám đốc Ban Thương mại Thái Lan và Tổng thư ký của Hội đồng Doanh nghiệp Thái - Trung, nói: "Thái Lan hoan nghênh cả Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng Trung Quốc vẫn dẫn đầu".
Thủ tướng Shinzo Abe đang dựa vào các nhà lãnh đạo châu Á, những người cần tài trợ cơ sở hạ tầng nhưng rất thận trọng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, tranh chấp phi pháp ở Biển Đông với hàng loạt quốc gia láng giềng như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Thậm chí, để trấn an các nước trong khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe xúc tiến dự luật quốc phòng, được Hạ viện Nhật thông qua hôm 16/7.
Với dự luật này, lần đầu tiên kể từ sau Đệ nhị thế chiến, Tokyo có thể gửi quân đi chiến đấu ở nước ngoài.
Kèm theo đó, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn tại Biển Đông, do đó trong tương lai Nhật Bản có thể tiến hành các hoạt động tuần tra và giám sát tại vùng biển này.
Để thuyết phục các đối tác châu Á, ông Abe cũng có thể dựa trên lợi thế lịch sử đầu tư lâu dài và lớn của các công ty Nhật Bản trong khu vực này, nơi chiếm 12% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản.
Trong khi, con số này của Trung Quốc chỉ hơn 2%. Chuyên gia Graham của Viện Lowy nhận định: "Khi bạn nhìn vào vốn đầu tư, Nhật Bản là người khổng lồ. Trung Quốc không thể so sánh".
Châu Á đang rất cần cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và giao thông. Theo ADB, cần phải đầu tư tổng cộng khoảng 8.000 tỷ USD từ năm 2010 đến 2020.
Các nước châu Á có thể được hưởng lợi từ sự cạnh tranh Nhật Bản - Trung Quốc. "Chiến lược của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là "cố gắng chơi với càng nhiều nước càng tốt", Chia Shuhui, một nhà phân tích tại BMI Research, cho biết.
Theo Lam Hồng
Doanh nhân Sài Gòn