Mặc dù kinh tế Trung Quốc quý II/2015 tăng trưởng vượt dự báo của giới phân tích nhưng mức nợ của quốc gia này lại gia tăng với tốc độ nhanh hơn.
Theo số liệu Bloomberg thu thập đến cuối tháng 6, dư nợ của khối doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc hiện đang ở mức cao kỷ lục, tương đương 207% so với GDP - cao hơn nhiều so với mức 125% ghi nhận vào năm 2008.
|
Dư nợ của khối doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc hiện đang ở mức cao kỷ lục tính đến cuối tháng 6/2015 (Ảnh: Bloomberg)
|
Tổng nợ xấu quý I/2015 của Trung Quốc cũng tăng kỷ lục 140 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc, như hạ lãi suất hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trở thành rào cản đối với những nỗ lực giảm thiểu nợ nần, đồng thời phát sinh nhiều rủi ro cho sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Trên thực tế, những cố gắng gần đây của chính phủ Trung Quốc nhằm kéo giảm tốc độ phát triển của đòn bẩy tài chính vẫn chưa mang lại hiệu quả. Hệ số nợ/GDP của nước này vẫn tiếp tục tăng cao. "Đây là một vấn đề rất đáng báo động", theo chuyên gia kinh tế Bo Zhuang tại công ty nghiên cứu Trusted Sources.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc bước vào thời kỳ vay vốn ồ ạt chưa từng thấy; và từ đó đến nay, chính phủ vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có thể "san phẳng" núi nợ khổng lồ ấy.
Tuy nhiên theo bà Emma Dinsmore - giám đốc điều hành của quỹ đầu tư R-Squared Macro Management, chính phủ Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát tốc độ của làn sóng vỡ nợ và tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. Bởi, phần lớn hoạt động vay - cho vay tại Trung Quốc đều do các ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh thực hiện.
Dù vậy, nợ càng tăng cao thì kinh tế càng tăng trưởng chậm lại, ông Ruchir Sharma - trưởng ban thị trường mới nổi tại quỹ Morgan Stanley Investment Management cho biết. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 7% - cao hơn dự báo 6,8% của giới chuyên gia, nhưng vẫn là tốc độ tăng trưởng thấp nhất 6 năm.
Nguyễn Dung
Theo Bloomberg