Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 6,4%, đóng cửa ở mức 4.478,36 điểm trong ngày thứ Sáu (19/6). Như vậy, chỉ số này đã giảm 13% trong tuần kể từ ngày 15/6 tới 19/6, liên tục điều chỉnh xuống sau khi giảm hơn 10% từ mức cao nhất vào ngày 12/6. Khoảng 400 cổ phiếu trên sàn Thượng Hải lao dốc hết mức giới hạn trong ngày khi mà tính bất ổn tăng cao nhất kể từ năm 2009.
Các chiến lược gia tại BlackRock Inc, Credit Suisse Group AG và Bank of America Corp. đều nhất trí cho rằng, đây là dấu hiệu cảnh báo về bong bóng thị trường, sau khi giá trị thị trường của các cổ phiếu Trung Quốc tăng hơn 6 nghìn tỷ USD trong vòng 12 tháng. Chưa kể tới số lượng kỷ lục những nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường cũng như khoản nợ ký quỹ lên tới 363 tỷ USD .
Tính bất ổn tăng cao
Michael Every, người đứng đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường tài chính tại Rabobank Group ở Hong Kong cho biết: “Thị trường ngày càng trở nên bất ổn”. Chỉ số Hang Seng China Enterprises của các công ty đại lục niêm yết trên sàn Hong Kong bắt đầu xu hướng giảm kể từ thứ Ba (16/6). Riêng trong ngày thứ Sáu (19/6), chỉ số này đã giảm 0,6%. Chỉ số CSI 300 bao gồm cổ phiếu của các công ty lớn nhất Trung Quốc cũng giảm 6%.
Riêng cổ phiếu của các công ty công nghệ, điện thoại và công nghiệp trong chỉ số CSI 300 đã giảm ít nhất 15% trong tuần này. Chỉ số ChiNext của các công ty vừa và nhỏ đã giảm 5,4% trong ngày thứ Sáu, khiến ChiNext giảm tới 17% so với mức cao kỷ lục vào ngày 3/6 trước đó.
Trong số các cổ phiếu giảm mạnh, cổ phiếu của Leshi Internet Information & Technology, Air China Ltd và China Eastern Airline Corps giảm 10%, trong khi cổ phiếu của ZTE Corp giảm 8,5%.
Nỗi lo IPO
TTCK Trung Quốc tuần này chịu gánh nặng bởi cơn lũ các cổ phiếu mới được lên sàn và các nhà đầu tư thất vọng trước việc yêu cầu các nhà băng giảm bớt lượng dự trữ bắt buộc không thành sự thực. Áp lực cũng ngày càng gia tăng khiến Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã 2 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay, sau khi số liệu mới nhất về xuất nhập khẩu cho thấy doanh thu giảm mạnh.
Trong tuần này, 25 công ty Trung Quốc đã tiến hành IPO với lượng cổ phiếu chào bán ước tính khoảng 6,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,2 nghìn tỷ USD), theo số liệu của Bloomberg. Bên cạnh đó, các CTCK, bao gồm cả Goutai Junnan Securities Co, đều thắt chặt hầu hết các quỹ của mình lần đầu tiên kể từ tháng 1/2014.
Nhà chức trách vào cuộc
Sự giảm giá mạnh của các cổ phiếu Trung Quốc chính là cơ hội để mua vào bởi Chính phủ Bắc Kinh sẽ sớm có hành động nhằm giữ thị trường đi lên, chiến lược gia Adrian Mowat tại JPMorgan Chase & Co cho biết. Các nhà chức trách có thể giảm bớt các đợt IPO, hoàn thiện quy tắc giao dịch ký quỹ hoặc ủng hộ kế hoặc xây dựng các mối liên kết với nước ngoài nhằm kích thích các nhà đầu tư.
“Giới chức Trung Quốc sẽ vào cuộc nếu thị trường tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực. Tôi nghĩ rằng, nếu xu hướng giảm tiếp tục trong tuần tới, chúng ra sẽ nhận được vài tin tức mới giúp yên tâm hơn”, Mowat, Giám đốc chiến lược các thị trường mới nổi và châu Á tại JPMorgan cho biết.
Trong ngày thứ Hai (22/6), thị trường đại lục sẽ đóng cửa nghỉ lễ. Ngày thứ Ba (23/6), HSBC Holdings Plc và Markit Economics sẽ công bố sơ bộ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6. Chỉ số này có thể ở mức 49,4 giảm nhẹ so với tháng trước đó, theo kết quả khảo sát của Bloomberg.
Theo Trịnh Hằng
Đầu tư Chứng khoán