Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra báo cáo bán niên về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, OECD dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay thay vì 3,7% như dự báo trước đó.
Năm ngoái, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3%. Mức tăng trưởng trung bình một thập kỷ tính đến hết năm 2011 là 3,9%.
OECD cho rằng, việc các doanh nghiệp lớn dè dặt hơn trong đầu tư mở rộng nhà máy, trang thiết bị công nghệ so với trước kia, cùng với nhu cầu tiêu thụ giảm đã kéo tụt thị trường lao động, lương, sức tiêu thụ.
“Chúng tôi cho rằng ở một số khía cạnh thì kinh tế toàn cầu vẫn tương đối tốt. Chính sách tiền tệ nới lỏng, tình hình tài khóa bớt căng thẳng, hầu hết các nước đều hưởng lợi từ việc giá dầu giảm, kinh tế trưởng của OECD Catherine Mann nhận định.
Với từng nền kinh tế, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,4% năm ngoái, thấp hơn so với dự báo 3,1% đưa ra hồi tháng 3. Trong khi đó, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 6,8%, so với dự báo trước kia là 7,4%.
Với gói kích thích quy mô chưa từng có của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) urozone được dự báo tăng trưởng 1,4%, tăng so với 0,9% năm 2014. Theo OECD, eurozone có thể tăng trưởng hơn nữa nếu nới lỏng chính sách tài khóa, tăng cường đầu tư công. Quan trọng hơn, eurozone cần giải quyết vấn đề tài chính công của Hy Lạp. Việc Hy Lạp vỡ nợ hay rút khỏi eurozone có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của khu vực này.