Đó là nhận định của Hãng tin Bloomberg ngay sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được những thống nhất về điều khoản trong thỏa thuận ngày thứ ba (14-7) tại thủ đô nước Áo.
Như vậy, Iran - quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới - đang sẵn sàng chuẩn bị cho việc “tái xuất giang hồ” khi các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới xuất khẩu dầu mỏ nước này được gỡ bỏ.
Iran có thể sản xuất bao nhiêu dầu mỏ?
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết Iran có thể tăng xuất khẩu lên 500.000 thùng dầu mỗi ngày ngay khi chấm dứt lệnh trừng phạt. Trong sáu tháng tiếp theo có thể tăng thêm 500.000 thùng nữa. Năm nay Iran đang sản xuất trung bình 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Tập đoàn Goldman Sachs cho biết Iran sẽ phải mất thêm khoảng một năm nữa để có thể tăng thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Bởi lẽ trước tiên nước này phải chứng tỏ đã đáp ứng đầy đủ các điều khoản đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân, cùng với đó là khôi phục hoạt động sản xuất của các giếng dầu cũ. Ngoài ra việc mở rộng năng lực khai thác cũng cần có thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Theo các quan chức ngoại giao tham gia cuộc đàm phán vừa rồi, lệnh trừng phạt sẽ vẫn được duy trì ít nhất tới khi lực lượng quan sát viên của Liên Hiệp Quốc gửi lên báo cáo về việc nước này tuân thủ các điều khoản thỏa thuận hạt nhân ra sao vào tháng 12 tới.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ phải đưa ra báo cáo trước ngày 15-12, đó là thông tin từ tổng giám đốc Yukiya Amano.
Cũng theo các nhà ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chỉ tháo bỏ các lệnh trừng phạt trong trường hợp Iran đã tuân thủ các điều khoản thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Obama cho biết trong trường hợp các điều khoản bị vi phạm, các lệnh trừng phạt vẫn sẽ phải áp đặt trở lại với Iran.
Trữ lượng dầu của Iran vào khoảng 157,8 tỉ thùng theo ước tính của Tập doàn dầu khí BP. Đó là trữ lượng đủ để cung cấp cho Trung Quốc trong hơn 40 năm. Mỏ dầu thô đầu tiên ở Trung Đông được phát hiện tại Iran năm 1908 và trong suốt bảy thập kỷ kể từ đó, quốc gia này đã duy trì sản lượng khai thác trung bình 6 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Tuy nhiên sản lượng khai thác sau đó giảm dần do các giếng dầu của Iran không được đầu tư đủ và thiếu công nghệ hiện đại. Các công ty khai thác dầu mỏ phương Tây cũng gần như vắng bóng tại quốc gia này kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Sự trở lại của Iran có ý nghĩa như thế nào với OPEC?
Tháng trước, ông Zanganeh đã gửi tới 11 người đồng cấp với ông trong khối OPEC cho biết họ nên chuẩn bị tinh thần về sự trở lại của Iran.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã có sản lượng vượt quá mức giới hạn tự đặt ra của khối là 30 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 6-2014. Việc Saudi Arabia vẫn tiếp tục tăng sản lượng khai thác nhằm bảo vệ thị phần thay vì bảo vệ giá dầu đã khiến mọi thành viên OPEC đều tự do bung ra mức sản lượng khai thác theo nhu cầu mỗi nước.
Thị trường thế giới hiện vẫn đang phải vật lộn với tình trạng cung vượt cầu khi số liệu từ IAEA cho thấy sẽ có khoảng 800.000 thùng dầu được sản xuất mỗi ngày trong nửa năm còn lại.
Hiện tại giá dầu thô Brent được dự đoán sẽ quay trở về mức trung bình là 67 USD/thùng trong những tháng còn lại của năm nay.
Theo tuyên bố của ông Zanganeh hồi tháng 5 năm nay, Iran sẽ ưu tiên nhắm tới các thị trường châu Á và tiếp đó là châu Âu. Doanh số 1 triệu thùng dầu bán ra mỗi ngày bị mất đi kể từ sau các lệnh trừng phạt áp lên Iran năm 2012 đều thuộc hai khu vực này.
Các giao dịch dầu mỏ của Iran tại châu Á sau đó đã bị Saudi Arabia và Kuwait thâu tóm. Đây là những nước mà dầu thô của họ cũng có thành phần hóa học tương tự dầu của Iran. Tại châu Âu, dầu Iran được thay thế bằng dầu của Nga, Saudi Arabia và Iraq.
Ông Obama bắt đầu thuyết phục quốc hội về thỏa thuận với Iran
Trong cuộc họp báo ngày thứ tư (15-7), ông Obama tỏ thái độ sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa nhóm P5+1 với Iran.
Theo New York Times, ông Obama thậm chí còn thẳng thắn nói rằng rất nhiều chính trị gia phản đối ông về thỏa thuận này thậm chí còn chưa từng đọc qua nó.
Ông Obama đã mở cuộc họp tại phòng họp East Room để bắt đầu chiến dịch 60 ngày theo quy định giải quyết mọi ý kiến tranh biện ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, đồng thời thuyết phục Quốc hội Mỹ, công luận Mỹ và cả các đồng minh trong khu vực chấp nhận nội dung thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ cho biết ông hi vọng thỏa thuận đạt được sẽ mở đường cho quan hệ tích cực hơn giữa Mỹ với Iran. Tuy nhiên ông phản đối những ý kiến không ủng hộ thỏa thuận vì cho rằng nó không giải quyết được vấn đề bảo trợ khủng bố cũng như các hoạt động gây mất ổn định của Iran tại Trung Đông.
Ông Obama nói: “Tôi hi vọng với thỏa thuận này, chúng ta có thể tiếp tục các cuộc trao đổi với Iran và theo đó thúc đẩy họ có những hành xử khác đi trong khu vực, bớt hung hăng, bớt hiếu chiến và hợp tác hơn. Nhưng chúng tôi không trông chờ những điều đó ở thỏa thuận này”.
Theo đó ông khẳng định thỏa thuận hạt nhân vừa rồi chỉ giải quyết vấn đề cụ thể, đó là nguy cơ Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.