Chính quyền Trung Quốc vừa lập ra quỹ hỗ trợ giao dịch ký quỹ. Theo đó, Công ty tài chính chứng khoán (CSF) thuộc sở hữu nhà nước có thể tiếp cận nguồn vốn vay 3.000 tỷ nhân dân tệ (483 tỷ USD) từ các nguồn gồm Ngân hàng trung ương (PBOC), ngân hàng thương mại, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.


Số tiền này gấp 25 lần so với tổng số tiền mà công ty này bắt đầu bơm vào thị trường kể từ đầu tháng đến nay và gấp 5 lần gói cứu trợ được đề xuất dành cho Hy Lạp.

CFS có thể dùng số tiền này để mua cổ phiếu và cấp thanh khoản cho các hoạt động môi giới. Tuy nhiên hiện chưa rõ CFS sẽ triển khai quỹ này như thế nào vào thị trường chứng khoán vốn hóa 6,6 nghìn tỷ USD. 

Bocom International Holdings cho rằng, số tiền này có thể đủ để khôi phục niềm tin của 90 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường. Thực tế, sau thông tin về CFS, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,5%.

CSF ra đời năm 2011 nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn cho các giao dịch ký quỹ của các công ty môi giới chứng khoán ở Trung Quốc. Công ty này đã trở thành một trong những công cụ chính được Trung Quốc sử dụng để đối phó với làn sóng bán tháo khiến thị trường chứng khoán giảm 32% kể từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7. 
Giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp giải cứu thị trường, từ cấm cổ đông lớn bán cổ phần đến yêu cầu các định chế nhà nước mua lại cổ phiếu, thậm chí cho phép hơn nửa số doanh nghiệp niêm yết trên sàn tạm ngừng giao dịch.
Trung Quốc không phải là nước duy nhất có lịch sử can thiệp vào thị trường chứng khoán. Chính quyền Hong Kong đã mua 15 tỷ USD cổ phiếu để trợ giá trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, trong khi Ủy banchứng khoán Mỹ cấm bán khống trong khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 7 năm. Quốc hội Mỹ thông qua chương trình giải cứu trị giá 700 tỷ USD để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng.
Các biện pháp can thiệp của Trung Quốc tuy hỗ trợ giá cổ phiếu nhưng giới phê bình cho rằng chúng ảnh hưởng đến cam kết tăng vai trò của thị trường ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà quản lý quỹ cảnh báo việc này sẽ khiến việc Trung Quốc gia nhập chỉ số MSCI bị trì hoãn hơn nữa.
 Minh Phương
Theo Bloomberg