Trong bối cảnh TTCK Trung Quốc giảm mạnh vào đầu tháng vừa qua, cảnh sát và cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc tuyên bố họ đã tiến hành cuộc điều tra “bán khống độc hại” trong thị trường kỳ hạn vốn.
Thông báo này là một phần của các biện pháp nhằm ổn định thị trường sau khi đã giảm 30% so với mức đỉnh vào giữa tháng Sáu, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến cho bán khống “độc hại”?
Thuật ngữ khủng khiếp này, cùng với việc thiếu vắng những chi tiết rõ ràng về hành vi đang được nhắm đến, đã dẫn đến sự nghi ngờ rằng cuộc điều tra là một nỗ lực ngoài vòng pháp luật nhằm đe dọa những người sẽ bán trong tương lai. Nhưng các luật sư nói rằng đánh cược thị trường giảm có thể là bất hợp pháp nếu chúng dựa trên các thông tin nội bộ hoặc được thực hiện với mục đích tác động đến giá.
“Bản thân bán khống là một hành vi thị trường trung lập và không phạm tội. Nhưng nếu liên quan đến thao túng thị trường, giao dịch nội gián, hoặc báo cáo sai sự thật, khi đó, bán khống sẽ trở thành bất hợp pháp - vi phạm luật chứng khoán hoặc luật hình sự,” Liu Junhai, giáo sư Đại học luật Renmin ở Bắc Kinh cho biết.
Meng Qingfeng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tuần trước rằng cảnh sát đã tìm thấy bằng chứng về “thao túng hợp đồng kỳ hạn trên chứng khoán”. Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), cơ quan quản lý chứng khoán, cũng đã cho rằng “thao túng thị trường” là một phần của định nghĩa của bán khống vì đó là hành vi cố ý. Hai cơ quan này đã thành lập nhóm lực lượng đặc nhiệm chung để điều tra.
Thao túng thị trường chứng khoán cổ điển liên quan đến các kế hoạch “nâng lên và đạp xuống”, trong đó một nhóm nhà đầu tư thông đồng với nhau để chào giá lên cho một chứng khoán đơn lẻ, sau đó bán nó trước khi giá bị đẩy xuống. Chiến thuật tương tự có thể được sử dụng để tạm thời gây áp lực giảm giá chứng khoán.
Tuy nhiên, chiến thuật như vậy khó có thể thực hiện được trong thị trường kỳ hạn chỉ số lớn và thanh khoản cao của Trung Quốc. Tổng khối lượng giao dịch trên hợp đồng kỳ hạn neo vào chỉ số CSI300 đạt 756 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 122 tỷ USD) vào ngày 1/7, một ngày trước khi cơ quan quản lý công bố điều tra người bán khống. Chỉ số CSI300 bao gồm các công ty niêm yết lớn nhất tại Thượng Hải và Thâm Quyến. Vì vậy, thao túng chỉ số cơ bản này là việc không dễ.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng vai trò to lớn của cho vay ký quỹ (margin finance) trên thị trường có nghĩa là việc thao túng giá sẽ không khó như người ta nghĩ.
Để đảm bảo thu hồi được các khoản cho vay ký quỹ, công ty môi giới và công ty cho vay ký quỹ không chính thức thiết lập các lệnh cắt lỗ (stop loss) và lệnh này sẽ tự động kích hoạt bán cổ phiếu khi giá giảm xuống dưới một mức nhất định. Nếu một người bán khống biết được mức của chỉ số quan trọng mà dưới mức này một làn sóng áp lực bán lớn được tung ra, người đó có thể khai thác kiến thức này, Yan Yiming, luật sư chuyên về luật chứng khoán, cho biết.
“Gây áp lực lên chỉ số xuống một chút, và điều đó khiến thanh khoản trị giá hơn hàng tỷ. Sẽ không mất quá nhiều tiền,” theo ông Yan, cựu lãnh đạo bộ phận giao dịch siêu tốc (high-frequency trading – HFT) của Everbright Securities hồi năm ngoái trong một vụ giao dịch nội gián rất công khai xuất phát từ một trục trặc máy tính.
Đòi hỏi một định nghĩa về “bán khống độc hại” tại cuộc họp báo hồi đầu tháng này, Deng Ge, phát ngôn viên của CSRC, cho biết đó là “thao túng xuyên thị trường hoặc xuyên thời gian đáo hạn”.
Cách giải thích này cho thấy nhà chức trách đang tập trung vào các nhà đầu tư đặt cược giảm trong cả thị trường kỳ hạn và thị trường chứng khoán (giao ngay). Một người bán khống hy vọng đạt lợi nhuận từ đặt cược thị trường giảm trong thị trường kỳ hạn có thể thử thao túng đánh xuống chỉ số liên kết để thực hiện hợp đồng kỳ hạn thành công.
Liu Yuhui, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính và Ngân hàng tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nói rằng cơ quan quản lý có thể đang khảo sát hoạt động đột biến của hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI500, chỉ số này theo dõi một nhóm các công ty nhỏ hơn.
Sự ra mắt hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI500 vào tháng Tư đã cung cấp cho các nhà đầu tư Trung Quốc, lần đầu tiên, một công cụ được chấp thuận cho đặt cược giá giảm trên cổ phiếu nhỏ và vừa. Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ hơn đã tăng nhanh hơn so với cổ phiếu blue-chip trong đợt tăng giá cổ phiếu rộng hơn này.
Doanh thu hàng ngày của hợp đồng kỳ hạn trên chỉ số CSI500 với mức trung bình khiêm tốn 422 triệu Nhân dân tệ trong tháng Năm nhưng đột nhiên tăng lên mức 934 tỷ Nhân dân tệ vào ngày 19/7 khi các chỉ số bắt đầu tuột dốc.
“Chúng ta thực sự đã nhìn thấy hiện tượng bất thường, điều này là không thể phủ nhận. Trong đó, tập trung đánh xuống ở cả thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn, đập vỡ thị trường”, ông Liu nói.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể được lý giải như là một phản ứng thị trường hợp pháp đối với hành động bán hoảng loạn. Với sự sụt giảm của cổ phiếu vốn hóa nhỏ, hoạt động của thị trường kỳ hạn sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư đổ xô phòng ngừa rủi ro (hedge) cho chính họ - hoặc đạt lợi nhuận từ lướt sóng, đó là điều hoàn toàn tự nhiên.
Vẫn còn chờ xem nhà chức trách sẽ trừng phạt các nhà đầu tư đối với giao dịch cụ thể hay không. Bất kể thế nào, ông Liu hy vọng Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định về bán khống.
Theo Nguyễn Hoàng Mỹ Phương
Financial Times