Nội tệ Brazil, đồng real, vừa xuống mức thấp nhất trong 12 năm hôm 27.7. Tiền tệ các nước Đông Nam Á đang ở điểm tồi tệ nhất kể từ khi khu vực này trải qua cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất vào những năm 1990. Theo Capital Economics, tỷ giá hối đoái ở Mexico và Nam Phi đối với USD đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Việc USD tăng giá hiện nay làm dấy lên lo ngại về những gì từng diễn ra trong quá khứ. Vào những năm đầu thập niên 1980, đô la Mỹ đi lên làm bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Mỹ La tinh. 15 năm sau đó, đồng bạc xanh tăng nhanh một lần nữa, khiến nền kinh tế các nước khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan, sụp đổ.
Một cuộc khủng hoảng tiền tệ lớn có thể là đòn đánh thực sự vào nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cả nền kinh tế Mỹ. Thế giới hôm nay đang xích lại gần nhau hơn so với những năm 1980, 1990. Thêm vào đó, suy giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chỉ là khởi điểm cho những rắc rối của các thị trường mới nổi.
“Điều này sẽ đặt ra thêm một chiều hướng áp lực mới lên rất nhiều thị trường mới nổi trong tương lai gần”, Giáo sư Andrew Karolyi (Mỹ) nói.
Ba điều có thể kết hợp tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm tàng gồm: USD tăng mạnh hơn so với nhiều đồng tiền chính khác, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 9 và hàng hóa - động cơ cho các thị trường mới nổi - đang giảm nhanh chóng.
Theo giới chuyên gia, trong khi nhiều nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi chỉ đang lo lắng về Fed, việc USD tăng giá cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.
Giá trị đồng bạc xanh đã đi lên hồi tháng 3, chạm đến mức cao nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, đồng tiền này lại tiếp tục đi lên, tăng 20% trong năm ngoái so với các đồng tiền chính khác.
Không những vậy, nhiều nước trên thế giới giờ cũng đã có mối lo cho riêng mình. Kinh tế Brazil đang trong suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại còn cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp thì được cho là vừa đẩy nước này vào lại nhóm các thị trường mới nổi.
Theo Thu Thảo
Thanh Niên