Theo dữ liệu của Bloomberg, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên vượt 10.000 tỷ USD. Như vậy, trong vòng 12 tháng qua, vốn hóa chứng khoán Trung Quốc tăng 6,7 nghìn tỷ USD, thậm chí lớn hơn cả toàn bộ quy mô 5 nghìn tỷ USD của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Hiện Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới với quy mô gần 25 nghìn tỷ USD.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh do đồn đoán chính phủ Trung Quốc sẽ hành động hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng. HSBC dự đoán, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng trong vài tuần tới. Trong khi đó, Societe Generale cho rằng, đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ diễn ra trước cuối tháng 6. Đây sẽ là đợt hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thứ 3 kể từ đầu năm.
Cơn sốt chứng khoán Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tính đến tuần cuối thángn 5, số tài khoản giao dịch mới đạt kỷ lục 4,4 triệu tài khoản.
Hơn 4.000 quỹ phòng hộ và đầu tư góp vốn tư nhân đổ bộ vào thị trường này trong vòng 3 tháng qua nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ đà bùng nổ của chứng khoán Trung Quốc. Khối tài sản phòng hộ cũng tăng 75 tỷ USD lên 433 tỷ USD. Số người hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng hơn 60.000 người trong vòng 3 tháng, vượt 199.000 người tính đến cuối tháng 5.
Phó giám đốc tại một công ty môi giới chứng khoán lớn ở Thượng Hải cho biết, hơn 1 nửa trong nhóm nghiên cứu thị trường của công ty đã chuyển sang lĩnh vực quỹ phòng hộ.
Tuy nhiên, quỹ phòng hộ Trung Quốc khác với ở các nước phương Tây ở chỗ nếu các quỹ ở phương Tây dựa vào các nhà đầu tư tổ chức thì ở Trung Quốc tập trung vào nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ và coi ngân hàng hay các công ty môi giới là các kênh kinh doanh chính. Một quỹ phòng hộ Trung Quốc chỉ đòi hỏi khoản đầu tư tối thiểu 1.61.000 USD, trong khi con số này với các quỹ phương Tây là ít nhất 1 triệu USD. Quy mô các quỹ Trung Quốc cũng nhỏ hơn.
Ngoài ra, do không có các sản phẩm phái sinh nên các quỹ không thể dùng các chiến lược phòng hộ thông thường như ở các thị trường phát triển.
Minh Phương
Theo FT