Mới đây, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết tới tháng 6/2016 sẽ chính thức ngừng triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đối với người vay mua nhà có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến đầu tháng 7/2015, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới được giải ngân khoảng 30% dành cho người thu nhập thấp bởi các ngân hàng. Cụ thể, số tiền đã được giải ngân là khoảng 10.000 tỷ đồng và tính riêng số tiền để cho vay mua nhà ở thương mại trong đó đã chiếm tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc ngừng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, phóng viên Vinanet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Hanhud, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.
PV: Phân khúc nhà ở xã hội sẽ bị tác động ra sao sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ ngừng triển khai, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đính: Thị trường phân khúc nhà ở xã hội sẽ bị tác động rất lớn. Bởi khi còn tồn tại gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các chủ đầu tư bất động sản đã tích cực tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội.
Thậm chí có chủ đầu tư đã biến đổi nhà ở thương mại của mình sang nhà ở xã hội để được hưởng chính sách đó. Nếu dừng dự án này, việc phát triển các dự án xã hội sẽ bị tác động đáng kể.
PV: Thực tế sau 2 năm triển khai, hiệu quả của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là không hề cao do giải ngân kém. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đính: Thực tế thì trên thị trường thời gian qua nguồn cung các dự án nhà ở xã hội là không đủ cầu.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này có lẽ bắt nguồn từ khâu xử lý thủ tục, chuẩn bị đầu tư cho một dự án nhà ở xã hội thường có độ trễ từ 2-3 năm. Thực tế, lượng dự án xếp hàng còn rất lớn, trong khi các dự án thực sự triển khai thi công hoặc bán ra thị trường là không đáng kể so với nhu cầu.
Ngoài ra, còn tồn tại một thực tế, các quy định vay gói tín dụng này còn bị các ngân hàng thương mại hiểu và áp dụng khác nhau.
Ví dụ như quy định chứng minh thu nhập dưới mức 9 triệu đồng/tháng với cho vay nhà ở thương mại dưới 1,05 tỷ đồng trong khi thực tế quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp vay mua nhà xã hội.
PV: Vậy ông có cho rằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thất bại?
Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi không cho rằng gói tín dụng này thất bại. Thực tế gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dù không được tiếp tục triển khai nhưng về cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh.
Sau khi triển khai, gói tín dụng này đã phát triển được lượng khá lớn các dự án nhà ở xã hội, góp phần không nhỏ làm tan băng để thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi như hiện nay.
Đồng thời, gói tín dụng này cũng tháo gỡ khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trong việc giải phóng một lượng khá lớn hàng tồn kho, đặc biệt là hàng hóa ở phân khúc có giá thành vừa phải.
PV: Tương lai của phân khúc nhà ở xã hội sẽ ra sao khi gói tín dụng 30.000 tỷ ngừng triển khai vào tháng 6/2016, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đính: Còn 11 tháng nữa là đến thời điểm ngừng triển khai gói tín dụng này. Theo tôi, về ngắn hạn, việc ngừng triển khai sẽ có tác động kích cung thị trường nhà ở xã hội và nhà thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng.
Bởi trong vòng 11 tháng này, các hợp đồng tín dụng đã được ký sẽ vẫn được giải ngân, và khách hàng cũng như các chủ đầu tư sẽ có các động thái đẩy nhanh tiến độ để được ký thêm các hợp đồng mới.
Tuy nhiên, về dài hạn, nguồn cung sẽ thiếu khi nhà ở xã hội không còn đủ sức hấp dẫn về phần thanh khoản. Tôi cho rằng điều quan trọng hơn vào lúc này là cần có một gói cứu trợ mới hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, đồng thời kích cầu thị trường trên các phân khúc nhà từ thấp cấp đến trung cấp.
Xin chân thành cám ơn ông!
Minh Tú