Ai đã mua 62 triệu cổ phần “ế”?
Cuối tháng 8/2015, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) phát hành 63 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.630 tỷ đồng. Đợt huy động vốn này thất bại khi chỉ bán được 1 triệu cổ phiếu.
Sau đó không lâu, số cổ phần bị “ế” đã được “bán cái rụp” cho 1 tổ chức và 10 cá nhân. Tổ chức là Công ty Quản lý quỹ Thăng Long, 10 cá nhân giấu danh tính. Họ là ai, sao họ mua?
Công ty quản lý quỹ mua cổ phiếu với số lượng lớn là chuyện thường, nhất là khi mục tiêu được đặt ra từ trước có thể đạt được. Vả lại, chuyện mua thông qua hợp đồng uỷ thác rất phổ biến. Nhưng 10 cá nhân đồng loạt mua vào số lượng lớn, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, là việc không thường thấy.
Thứ nhất, nếu cổ phiếu HQC hấp dẫn đến mức nhà đầu tư phải thu gom thì hình thức mua vừa rồi không hẳn khôn ngoan. 1 năm qua, giá cổ phiếu HQC lúc cao nhất chỉ hơn 8.000 đồng/cổ phiếu, chủ yếu xoay quanh 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, nếu gom trên sàn, cùng lắm là 8.000 đồng. Ở góc độ này, động thái của Công ty Quản lý quỹ Thăng Long với HQC cũng khiến nhà đầu tư suy đoán ít nhiều.
Thứ hai, 10 nhà đầu tư mua cổ phiếu HQC khi phần lớn cổ đông Công ty không ngó ngàng. Chỉ có ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty mua vào 1 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành vừa rồi. Vậy, họ đã mua vào vì lý do nào khác.
Lý giải của giám đốc một công ty chứng khoán, có thể hình thức mua này nhằm lách quy định hạn chế chuyển nhượng. Theo đó, cách phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược khiến họ không được bán cổ phiếu trong 1 năm. Cách phát hành công khai như vừa rồi thì không bị hạn chế. Nếu nhà đầu tư chiến lược không muốn bị chôn vốn, họ sẽ mua lại số cổ phiếu ế kia. Phát hành giá cao chính là chìa khoá giúp kế hoạch này thành công.
Tổng số cổ phiếu trong đợt phát hành vừa rồi chiếm 24% vốn điều lệ mới của HQC, tỷ lệ thích hợp cho nhà đầu tư chiến lược. Theo chuyên gia tài chính Hoàng Thạch Lân, khi có thỏa thuận riêng, ắt hẳn các nhà đầu tư vừa rồi vẫn chưa phải là người mua cuối cùng. Họ, gồm cả ông Tuấn, có thể sẽ bán lại cho nhà đầu tư chiến lược theo hợp đồng định sẵn.
Thời gian qua, HQC ký hợp đồng chiến lược với khá nhiều đối tác như LG, Huyndai... Vậy ai sẽ mua số cổ phiếu vừa qua? Khó mà biết được. Một đối tác gần đây của HQC có hứa hẹn liên quan đến chuyện mua cổ phiếu là Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM). Quỹ này hứa sẽ bỏ ra 20 triệu USD (khoảng 440 tỷ đồng) để mua cổ phiếu HQC từ tháng 7 đến tháng 9/2015. Nhưng, cũng chưa chắc chắn được điều gì, bởi GEM, dù hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thực hiện không đáng là bao so với lời hứa. Chẳng hạn, GEM cam kết rót 16 triệu USD (khoảng 324 tỷ đồng) để mua cổ phiếu HHS của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Huy. Sau một năm ký kết, GEM mua chưa đầy 200.000 cổ phiếu với giá trị ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Thách thức kế hoạch năm 2015
Tại Đại hội cổ đông mới đây của HQC, ông Trương Anh Tuấn cam kết sẽ từ chức nếu HQC không đạt kết quả kinh doanh như kế hoạch. Con số mục tiêu khá cao, 3.225 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2015. Các chỉ tiêu đều gấp hơn 10 lần kết quả năm 2014. Sau nửa chặng đường, HQC mới đạt gần 20% mục tiêu.
Theo HQC, năm 2015, Công ty sẽ bàn giao 2 dự án nhà ở xã hội là HQC Plaza và HQC Hóc Môn. Các khoản thu từ hai dự án này không được công bố cụ thể, nhưng báo cáo tài chính HQC cho thấy, doanh thu trong ngắn hạn là hơn 1.000 tỷ đồng, từ khoản doanh thu chưa thực hiện và phải thu khách hàng mua bất động sản. Ngoài ra, hàng tồn kho đến cuối tháng 6/2015 còn hơn 500 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn thu lớn giúp HQC đạt chỉ tiêu.
Tuy nhiên, tiến độ bán hàng của HQC trong những năm qua chưa từng đáp ứng kỳ vọng của ban lãnh đạo. Mặt khác, hàng tồn kho chưa chắc được bán hết, cũng không có gì đảm bảo HQC thu hết khoản phải thu ngắn hạn. Khách quan mà nói, kế hoạch kinh doanh năm nay là thách thức không nhỏ với HQC.
Bên cạnh chỉ tiêu kinh doanh, vấn đề tài chính của HQC cũng khiến cổ đông băn khoăn. HQC liên tục triển khai dự án mới trong khi dòng tiền khá eo hẹp. Tính đến cuối tháng 6/2015, tiền mặt của HQC chỉ còn hơn 80 tỷ đồng. Để triển khai dự án mới, HQC phải vay thêm, nhất là khi số tiền huy động từ 63 triệu cổ phiếu mới đây chưa rõ hồi kết.
Giám đốc một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết, dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi, nhưng lượng vốn vay được không nhiều so với nhu cầu đầu tư và còn tuỳ từng dự án. Vị này cũng lưu ý rằng, danh mục đầu tư hiện thời của HQC còn có nhiều dự án trường học. “Chỉ ai dư dả mới dám đầu tư loại hình này vì thời gian thu hồi vốn rất lâu”, ông nói.
Danh mục đa dạng này của HQC sẽ khiến việc tìm nguồn tiền triển khai dự án mới không đơn giản, nếu không nói là khó khăn. Còn nhớ, đầu năm 2014, ông Tuấn phải bán 16 triệu cổ phiếu HQC để lấy tiền đầu tư Trường Đại học Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ của HQC.
Ở góc nhìn khác, khó đánh giá tiềm lực tài chính hiện có của HQC. Hầu hết dự án đều do công ty con của HQC thực hiện. “Tình hình tài chính của công ty con và liên kết của HQC mới là yếu tố quyết định”, vị này nhìn nhận.
Báo cáo tài chính cuối tháng 6/2015 của HQC cho thấy, Công ty có gần chục công ty liên quan. Khoản phải thu với bên liên quan lên đến hơn 1.400 tỷ đồng, cao hơn giá trị đầu tư vào các công ty này, với trên 1.200 tỷ đồng.
Theo Yến Nhi
Đầu tư